Chẳng biết tự bao giờ, thói quen đổ lỗi lại ăn sâu vào đời sống của đa phần người dân Việt một cách tự nhiên đến thế! Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần chúng ta vấp ngã, ngay lập tức ông, bà, bố, mẹ thường dỗ dành chúng ta bằng cách đổ lỗi: “Đánh đòn cái bàn, cái ghế, cái nền đất làm con bà đau này!”.Cứ như thế, theo năm tháng chúng ta lớn dần lên. Và mỗi khi vấp ngã hoặc gặp khó khăn gì, điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là tìm cách đổ lỗi cho ngoại cảnh, tại vì thế này, tại vì thế kia, nên tôi mới vậy.
Ngày nay, cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của cổng thông tin điện tử và các mạng xã hội như facebook, twister, v.v… thì thói quen đổ lỗi lại biến tấu thành một trào lưu mới, trào lưu ném đá, chửi bới, lăng mạ vô cùng nguy hiểm của một bộ phận không hề nhỏ cộng đồng mạng, khiến không ít người trở thành nạn nhân, tâm điểm của sự chú ý đã phải hứng chịu một áp lực vô cùng lớn, tổn thương tâm lý nặng nề. Không ít người vì thế mà đã dẫn tới cái chết.
Các mạng xã hội vốn dĩ là ảo, và việc bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân cũng là việc rất đỗi bình thường. Cái nguy hiểm ở chỗ, một khi nó quy tụ thành một đám đông tiêu cực sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tác động kéo theo rất nhiều người khác vào cuộc. Một loạt các trào lưu ăn theo, chế ảnh, dựng chuyện, đặt điều. Một số thì chẳng cần quan tâm bản chất của vấn đề là gì, nhân cơ hội để xả stress, mặc sức chửi bới, chỉ cần được chửi để rũ bỏ những cẳng thẳng của cá nhân trong cuộc sống đời thường, có thể là giận vợ, giận chồng, bực sếp ở cơ quan, cũng lao vào chửi…. Một số khác thì lại té nước theo mưa, dìm hàng người khác để khoe tài mình, đấy là hạng trí thức dởm, dỗi việc, chỉ giỏi ngồi phán, mà chẳng hành động. Làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, quan trọng là đem lại giá trị gì cho đời. Chỉ có những người không làm gì thì mới không sợ sai, nhưng chắc chắn một điều những người đó sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội cả.
Một số người tự biến mình thành một “phóng viên báo lá cải” có quyền soi mói, bắt lỗi, vạch trần cái sai của người khác tung lên mạng để chê trách, tự cho phép mình cái quyền phán xét người khác như một quan tòa, nhằm giật title câu like như một thú vui tiêu khiển. Trong khi bản thân mình thì đầy rẫy những lỗi lầm. Thay vì thấy cái sai của người khác để rút ra bài học cho mình, họ lại chọn cách bêu rếu, chế nhạo, đủ điều.
Làm sao chúng ta phải sửng cồ lên để chửi bới một cô giáo dạy tiếng anh chỉ vì cô ấy đã chót quá lời với học sinh trong lúc nóng giận? Trong khi chúng ta vẫn thường xuyên to tiếng mắng vợ, chửi con, thậm chí cãi lại bố mẹ, vô lễ với người trên, đôi khi còn có những hành động bạo hành làm tổn thương đến họ? Làm sao chúng ta phải gồng mình lên để chửi bới một ông “tiến sĩ thủy tinh” rằng như thế là không thể chấp nhận được vì thiếu an toàn cho con cái của mình, trong khi có rất nhiều phụ huynh đem con ra đường mà không hề quan tâm đội mũ bảo hiểm cho chúng? Chúng ta thử nghĩ xem, việc đứt chân so với việc chấn thương sọ não cái nào nguy hiểm hơn??? Khoan nói đến chuyện đúng sai ở đây, vấn đề là chúng ta đã quá khắt khe đối với lỗi lầm của người khác, cho dù điều đó là rất nhỏ. Trong khi cái tốt của họ đã làm cho dù là rất nhiều thì chúng ta lại chẳng quan tâm.
Một khi những trào lưu chửi bới, đổ lỗi này đã trở nên thịnh hành thì quả là một điều tệ hại đối với xã hội chúng ta. Con người sẽ ngày càng trở nên hung hăng hơn, nóng nảy hơn, kích động hơn, bàng quan và vô cảm hơn.
Bình tâm, thanh tịnh, quán chiếu nội tâm, lo sửa lỗi mình, không xét lỗi người, thương yêu và phụng sự nhiều hơn. Chỉ khi ấy, chúng ta mới giữ được thân tâm an lạc, xã hội mới được thanh bình thịnh vượng.
L.x.Sac