Chủ Nhật, Tháng Tư 2, 2023
Google search engine
HomeCHIA SẺKiến tạo hòa bình

Kiến tạo hòa bình

Sáng sớm ngày 6.8.1945. viên đại úy phi công Mỹ Rober Lewis đã nhận được lệnh cất cánh thi hành một phi vụ quan trọng, nhưng anh không hề biết phi vụ này quan trọng đến mức độ nào. 

Vào khoảng 11 giờ, Lewis được lệnh bay vào không phận Hiroshima và thả trái hom số 1. Trở về căn cứ anh đã được đón tiếp như nhà anh hùng. Nhưng khi biết được rằng đó là một trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima đã làm hàng trăm ngàn người chết và hàng vạn người bị thương. Lewis bắt đầu trằn trọc suy nghĩ một thời gian dài và rồi anh quyết định từ giã binh nghiệp để thực hiện một tâm nguyện: Tôi không ngờ mình đã được sai đi để giết hàng trăm ngàn người. Chiến tranh thật ghê tởm! Giờ đây tôi muốn kiến tạo một thế giới đầy  yêu thương “.

Sau đó Lewis dấn thân trở thành một nhà truyền giáo dòng Phanxicô, trọn đời nỗ lực dấn thân rao giảng hòa bình và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Mọi người khao khát tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn và hòa bình ngoài xã hội. Nhưng phải tìm bình an ở đâu ? Khi nguyên tổ loài người còn được nghĩa cùng Chúa, được sống gần Chúa, thì tâm hồn bình an, trong tình thương yêu của Chúa. Nhưng khi phạm tội chống lại Chúa, và trở nên như kẻ thù nghịch với Chúa, thì lòng con người khắc khoải xao xuyến.

Chúa Giêsu không những đem bình an đến cho chúng ta mà Người còn chính là sự bình an. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta chống lại Chúa, xa dần Chúa là nguồn bình an và sẽ phải sống trong dằn vặt, lo âu. Kinh nghiệm của Cain thật đáng gẫm suy : Sau khi giết em là Abel, Cain mất hết bình an trong tâm hồn và lúc nào cũng cảm thấy như có đôi mắt Thiên Chúa dõi theo mình với câu hỏi trách móc : Cain, em ngươi đâu ? Tội lỗi đẩy con người xa Chúa, đồng thời cũng gây đổ vỡ trong chính mình.  Nỗi khắc khoải, hối hận vì tội lỗi, sự thất vọng vì yếu đuối của bản thân khiến con người nhiều lúc không thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình.

Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “lương tâm không trách cứ tôi điều gì” (1 Cr 4,4).

Chúa Giêsu là bình an của chúng ta không chỉ vì Chúa thứ tha tội lỗi chúng ta, cho chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta về với Cha, để chúng ta được thỏa lòng khao khát. Chúa còn là vua bình an, là hoàng tử thái bình vì, như lời Thánh Phaolô nói, Chúa là đấng phá đổ bức tường ngăn cách và thù hận để con người được chung sống trong thanh bình. Trước khi xa lìa các môn đệ, trong bữa ăn tối sau hết, Người đã hứa với những tâm hồn đang ngập trong xao xuyến : “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em sự bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Bình an là điều tốt lành ai ai cũng trông mong. Người sống trong chiến tranh mong hòa bình mau trở lại. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, lòng người vẫn khắc khoải trước bao thách đố xảy ra hằng ngày. Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ, cũng như cho cả chúng ta, sự bình an quý giá vô vàn so với thứ bình an không có chiến tranh. Bình an Chúa Giêsu trao ban là ân huệ phục sinh của Người. Hay nói cách khác: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa. Chỉ cần một lần được ẵm Chúa trên tay, cụ Simêon đã cảm thấy toại nguyện, nên bộc phát cầu nguyện: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2,29).

Lúc sắp giã biệt thế gian mà về với Chúa Cha, Chúa Giê-su ưu ái trao ban cho các môn đệ sự bình an của Ngài. Ngài xác nhận rằng bình an của Ngài không như bình an của thế gian. Nếu bình an của thế gian là sức khỏe, tiền tài, danh vọng, lạc thú… thì bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Nó hiện diện ngay cả trong đau khổ, thử thách và bất chấp những nghịch cảnh éo le bên ngoài. Nói tắt, đó là sự bình an của một trái tim đầy Chúa, của một tâm hồn rộng mở đón Ngài ngự trị. Bình an Chúa ban múc nguồn từ chính Thánh Thần của Ngài. Một kỷ nguyên mới đang mở ra để đánh dấu thời kỳ của Đấng Bảo Trợ (cc. 16-17), của tình yêu (c. 15), của niềm tin (c. 29), niềm vui (c. 28), và bình an (c. 27a). Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh minh chứng sự khải thắng của Ngài đối với thế gian, và đem lại bình an đích thực cho nhân loại.

Chính trong bầu khí của bữa tiệc ly mà Chúa Giêsu đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương, được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.

Thật vậy, là hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha, và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích khôn dò của Mầu Nhiệm, để cho họ:

Tin tưởng: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

Bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

Và vui mừng: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”

Các môn đệ lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu đang bủa vây. Chúa Giêsu đã động viên các ông và khẳng định “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào vào sức riêng mình và sự bảo đảm của vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề.

Danh, lợi, thú ở đời có thể tạo cho con người cảm giác an toàn nào đó. Tuy nhiên, từ trong thẳm sâu của tâm hồn, chúng ta vẫn hằng khao khát sự bình an của Chúa. Để đón nhận ân ban này, tiên vàn chúng ta cần tin vào lời hứa của Ngài (c. 29). Nếu ta cố bám vào những sự bình an hời hợt của thế gian, thì khó mà cảm nghiệm được sự bình an của Chúa! Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta chỉ biết bám vào Chúa và chỉ khi ta bám chặt vào Chúa thì đời ta mới bình an thật sự.

Tuệ Mẫn

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Phản hồi gần đây