Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cưỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cưỡi lừa. Ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi thà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận:
– Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.
Vợ ông bước ra tiếp lời:
– Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông.
Nhiều người rất đúng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình.
Ranh giới giữa nhận thức về “cái tôi” rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng thường gây nhiều đau khổ… Những người có địa vị cao dễ mang tâm trạng tự tôn và cố chấp. Do đó, đang khi một người bình thường dễ dàng đón nhận những ý kiến bất đồng, thì các “ông lớn” có nhiều quyền thế lại “khó lòng chấp nhận được ý kiến bất đồng của kẻ khác”. Nếu biết khiêm tốn thì mỗi người chúng ta sẽ nhận ra giới hạn của mình: Thực sự mỗi chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ vô tận: Chỉ cần một giọt nước như một giọt nọc độc của rắn hổ mang cũng đủ hạ gục một người khỏe mạnh nhất. Thế thì tại sao chúng ta lại không bỏ đi cái tôi tự mãn, để trở thành một người tự do trung thực, là chính mình chứ không phải ai khác?
Chúng ta thường muốn được người khác khen ngợi, đề cao ưu điểm và trọng dụng tài năng của mình, và không muốn bị kẻ khác chạm đến quyền lợi của mình. Vì luôn muốn được nghe lời khen đang khi thực tế vẫn còn nhiều thói hư, nên chúng ta thường «Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại», muốn trình diễn bộ mặt «tốt ảo » không có thật, như những người biệt phái đã bị Đức Giê-su quở trách là bọn giả hình: ”Chúng là mồ quét tô vôi, bên ngòai có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế » (Mt 23,27).
Một người không dám nhìn nhận khuyết điểm của mình vì tự ái cao, sẽ hay đổ lỗi cho người khác và không nhận lỗi về mình. Sau khi phạm tội, ông A-đam bị Chúa hỏi tội đã đổ lỗi cho bà E-và cám dỗ mình, và bà E-và lại đổ lỗi cho con rắn. Còn chúng ta hôm nay thì sao ? Mỗi lần tham dự Thánh lễ, Hội Thánh dạy chúng ta phải khiêm tốn đấm ngực mình:”Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”…