Dante, nhà văn và nhà chính trị lỗi lạc của Ý thế kỷ XIII. Sau một cuộc đời đầy danh vọng, vui say trong chữ nghĩa, thắng lợi chính trị thế mà khi về già đã đến gõ cửa nhà dòng ở Corvo. Bề trên hỏi nhà văn muốn tìm gì nơi vắng vẻ khó nghèo này thì nhà văn hào trả lời: Tôi đi tìm sự bình an.
Le Tasse, một thi sĩ người Ý cũng tài ba không kém, sống thế kỷ XVI, đến tuổi già ông cũng đến nương náu trong nhà dòng Saint Onuffre và chết bình an trong đó.
Việc làm của hai ông, và của rất nhiều người khác nữa, nói lên một chân lý: qua một cuộc đời lâu dài, thông thái, danh vọng mà sau cùng cũng thấy thiếu một điều mà chỉ nhà Chúa mới có. Các ông đã tìm và đã gặp.
Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” Mt 11, 28-30
Chúng ta hết thảy đều vất vả và gánh nặng. Không nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai chúng ta, để có cuộc sống đầy đủ và an vui cho bản thân và gia đình. Những gánh nặng đó sẽ trở nên nhẹ nhõm khi trong mình có sức mạnh và vui tươi. Nhưng khốn nỗi chính trong lãnh vực của tâm linh thường khi chúng ta cũng vất vả và nặng nề. Xác thịt đè nặng trong các ham muốn của tính dục. Nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần chúng ta. Và sức mạnh của con người cũ không chịu buông tha để chúng ta đi theo Chúa. Dùng tiếng của thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, chúng ta dường như còn mắc nợ xác thịt, nghĩa là còn sống theo nó nhiều quá. Và như vậy, chúng ta còn sống xa Thiên Chúa, chưa đi vào đường lối khó nghèo Người vạch ra và còn cảm thấy nặng nề chưa được giải thoát.
Hôm nay Chúa Yêsu gọi chúng ta đến với Người. Người muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Ðúng hơn Người muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác nhẹ nhàng thoải mái đến nỗi sẽ phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Người nói: Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn.
Chúng ta có thể lấy làm lạ vì sao Chúa lại dùng tiếng “ách”. Cựu Ước đã dùng tiếng đó để nói về Lề Luật. Chúa tiếp tục dùng theo nghĩa đó. Người công nhận Luật nào cũng có khi làm cho khó chịu. Hơn nữa đối với Chúa, Luật nào cũng chỉ làm khổ con người. Luật Dothái không đem lại giải thoát. Luật lương dân cũng vậy. Không phải bản chất lề luật là làm khổ người ta. Chính lề luật vẫn tốt. Nhưng con người đã thêm thắt vào lề luật. Họ áp dụng theo dục vọng, khiến cuối cùng luật tốt lành của Thiên Chúa đã bị lãng quên vì bộ mặt rườm rà của các truyền thống loài người.
Luật Dothái ở thời Chúa Yêsu là một thí dụ điển hình. Nội dung cốt yếu của nó là lòng nhân nghĩa trong giao ước; nhưng dần dần người ta không còn nhớ các bổn phận nhân nghĩa nữa mà chỉ còn thắc mắc về việc giữ lễ lạc. Vì thế Chúa Yêsu mới thấy người ta đang vất vả dưới ách lề luật. Người kêu gọi họ đến để Người cất ách nặng ấy đi cho và thay vào ách của Người tức là Luật mới của Người. Luật của Người có lòng hiền từ và khiêm nhường. Nói đúng hơn nữa, Người sẽ đổ Thánh Thần xuống trong lòng chúng ta để chúng ta có Luật mới của Người là tình mến.
Thế nên thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thánh Thần. Nếu có Thánh Thần ở trong mình thì tuy thân xác còn vất vả ở đời này vì tội lỗi, tâm hồn cũng đã được sinh động và hân hoan nhờ sự sống của Thần Khí. Và như Thần Khí đã khiến Ðức Kitô phục sinh thế nào, thì Người cũng làm cho chúng ta được phục hồi mạnh sức khi thân xác còn vất vả vì thân phận tội lỗi.
Chúng ta có thể nói lên kinh nghiệm về những lần có dồi dào tình mến ở trong lòng thì mọi vất vả bề ngoài trở nên nhẹ nhõm. Chúng ta hãy từ đó suy lên lời của Thánh Tông đồ và sẽ hiểu Lời Chúa khi kêu gọi chúng ta nhận lấy ách của Người để được nghỉ ngơi trong tâm hồn.
Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong Bí tích khó nghèo và khiêm cung. Tấm bánh nhỏ có là gì ở trước mắt thế gian. Nhưng đức tin nói đấy là Thần Khí Ðức Kitô đến với chúng ta, để khi ở trong tâm hồn, Chúa dạy chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường như Người là Ðấng khó nghèo. Những ai cố gắng đi vào con đường đó sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thật sự ngay cả khi đang vất vả gánh nặng. Chúng ta hãy tin, hãy đến, hãy tham dự Bí tích khó nghèo, hãy nhận lấy Thần trí của Chúa; và Thần trí của Chúa sẽ giúp chúng ta sống.