Vị tông đồ nổi tiếng của người nghèo xứ Brazil, Đức Giám Mục Helder Camero đã ghi lại trong tập thư của Ngài mang tựa đề “Có muôn ngàn lý do để sống” câu chuyện sau đây:
Bên cạnh nhà tôi có một con sáo, quanh năm ngày tháng sống giữa trời. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm tôi hỏi sáo có nơi ngủ không. Nó ngạc nhiên trả lời:
– Có chứ, màn là trời, chiếu là đất, có bao giờ thiếu đâu.
Vì những đòi hỏi của trí khôn con người muốn biết mọi chuyện, tôi mới tò mò hỏi nó:
– Thế thì những lúc mưa gió trú ẩn mình nơi đâu?
Sáo nhanh nhẩu trả lời:
– Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?
Tôi hỏi nó đói không. Con chim chỉ mỉm cười đáp:
– Điều tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà.
Nói thế rồi nó cất tiếng hót như sau:
– Hỡi loài người kiêu ngạo, hãy nói cho ta biết đi, liệu các ngươi không chết sao?
Có lần, tôi nài nỉ con sáo nhận món quà tôi biếu, đó là khúc bánh mì kẹp thịt. Thế là sáo lại được dịp cười nhạo sự ngây ngô của tôi. Nó bảo:
– Ông không biết loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt như các ông à?
Một lần khác tôi hỏi sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười và nói:
– Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.
Ngày kia, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện nhờ các Bác sĩ khám bệnh và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con sáo.
Với câu chuyện ngụ ngôn trên đây, Đức cha Camero muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Nguyên nhân của những nỗi bất hạnh của con người là việc con người không biết chấp nhận tư tưởng, hành động và cách sống của nhau.
Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ, hành động và sống như mình. Ý thức hệ nào cũng tự cho mình là ưu việt và muốn áp đặt trên mọi người bằng mọi cách.
Ý thức và chấp nhận những giá trị của người khác, của những xã hội, những nền văn hóa khác, đó chính là con đường dẫn đưa nhân loại đến hoà hợp, an vui, là phương thế kiến tạo tình liên đới đại đồng giữa các dân tộc.”
Sưu tầm