Ánh sáng trên đoạn đầu đài

1864

Trước mặt Thiên Chúa không ai là kẻ hư mất, ngay cả người đó có bị xã hội kết án đi nữa. Đức Hông Y J.M. Lustiger tổng giám mục Paris đã nói như trên khi đề cập đến hồ sơ xin phong chân phước cho anh Jacques Flesh, do chính tay ngài ký và gởi về bộ phong thánh tại Rôma trong năm vừa qua.

Jacques Flesh là một tên tội phạm đã bị kết án tử hình và đã lên máy chém ngày 2-10-1957 vì tội giết chết một cảnh sát viên. Tuy nhiên, trong những ngày tù tội anh được ơn thánh Chúa đánh động tấm lòng đã hoán cải trở về với Chúa và sống kinh nghiệm lòng tin sâu xa.

Jacques Flesh là một thanh niên con nhà giầu nhưng vì được cha mẹ quá nuông chiều nên chàng chơi bời, phóng đãng và trở thành người hư đốn. Là con một ông chủ ngân hàng người Bỉ giầu sụ, Jacques muốn gì được nấy và cho đến lúc 24 tuổi chàng không hề thiếu thốn sự gì. Nhưng chàng đã phung phí tuổi thanh xuân trong ăn chơi, lười biếng và ương ngạnh. Học trường nào cũng chỉ được vài hôm hoặc một tuần là bị đuổi. Do đó Jacques đã không bao giờ học hết chương trình trung học. Tính tình ngang bướng và kiểu sống độc lập ấy đã biến chàng trở thành người vô dụng nhất thế giới. Tệ hơn nữa nó đã biến chàng thành kẻ sát nhân.

Đầu năm 1954 Jacques nổi hứng ăn chơi thích mua chiếc thuyền buồm hiệu Philimoska dài 10 mét trị giá hai triệu quan Pháp. Nhưng cha mẹ chàng từ chối không cho chàng số tiền khổng lồ ấy, mặc dù cho tới lúc đó hai ông bà đã không bao giờ từ chối chàng điều gì.

Thế là để có tiền mua thuyền buồm, Jacques quyết định đi đánh cướp nhà băng.

Nội vụ xảy ra cách đây bốn mươi năm nơi giữa lòng thủ đô Paris tráng lệ, ngày 25 tháng 2 năm 1954 Jacques Flesh đã dùng súng cướp ngân hàng, bắn trọng thương một nhân viên nhà băng. Sau đó bắn chết một viên cảnh sát và làm một số người qua đường bị thương.

Nhưng cuối cùng Jacques bị tóm cổ và tống ngục.

Theo các bài tường thuật của báo chí Paris thời đó, trong phiên xử Jacques đã lạnh lùng và ngạo mạn khiêu khích mọi người. Chuyên viên bệnh tâm thần do toà án chỉ định trắc nghiệm Jacques đã mô tả chàng như là một người trẻ ăn chơi, hoang đàng, lười biếng và là một tên tội phạm ngẫu nhiên đã không hề mảy may tỏ ra hối hận vì tội giết người, trái lại còn vô liêm sỉ một cách trơ trẽn và bình thản chấp nhận bản án tử hình. Sau khi nghe toà tuyên án Jácques dõng dạc tuyên bố: “Cho mày đáng đời! Tôi đã đáng tội lên máy chém và tôi sẽ biết tỏ ra can đảm”.

Thế là chỉ vì để thoả mãn ước muốn có một chiếc thuyền buồm mà Jacques đã trở thành một tên sát nhân. Chàng thanh niên con nhà giầu ấy giống như một hình múa rối bị các ham muốn không đâu của mình giật dây điều khiển đến độ cằm súng giết người.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây không phải là cái đam mê, hư đốn, liều lĩnh của Jácques mà là cuộc hoán cải đổi đời của chàng. Sau ngày bị kết án tử hình, trong ba năm nằm tù để chờ ngày lên máy chém Jacques đã say sưa học Kinh Thánh và đã khám phá ra những chân trời mới mà trong những năm ăn chơi chàng đã không bao giờ biết tới.

Trong mỗi lá thơ Jacques viết cho người vợ trẻ người ta đều nhận thấy chiều sâu tinh thần toả phát ra từ một tâm hồn đã gặp Chúa là đều nói lên kinh nghiệm thiêng liêng cao vời. Hơn ai hết Jacques ý thức được mình là một tội phạm đang phải đền tội nhưng sung sướng vì cuộc đời đổi mới, và chàng cảm thấy ba năm trong ngục tù chờ chết là ba năm duy nhất chưa từng có trong đời.

Trong một lá thư viết cho người vợ trẻ chàng tâm sự: “Em à, trước kia anh chỉ là một cái xác sống, nhưng nay anh thâm tín rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh thực sự sống”.

Các thư mà Jacques viết cho vợ được in và xuất bản trong cuốn sách có tựa đề: “Ánh sáng trên đoạn đầu đài”. Một ngày trước khi bước lên máy chém Jacques viết trong thơ vĩnh biệt vợ như sau: “Cuộc hành quyết sẽ xảy ra ngày mai lúc 4 giờ sáng. Xin cho ý Chúa được trọn vẹn. Em yêu, trong 5 tiếng đồng hồ nữa anh sẽ được trông thấy Chúa Giêsu”.

Nhật báo Rạng Đông tại Paris tường thuật lại cuộc hành quyết như sau: “Đội lính canh đứng xung quanh đoạn đầu đài buổi sáng thứ năm hôm đó đã cho biết họ chưa từng thấy một tội nhân nào bước lên máy chém với tất cả lòng can đảm và bền vững như Jacques Flesh”.

Sau khi chịu Mình Thánh Chúa từ tay Linh mục tuyên úy nhà tù Jacques hiên ngang bước đi trong hành lang dẫn tới máy chém. Năm đó anh vừa tròn 27 tuổi. Con đường bí nhiệm nào đã khiến cho Jacques là một kẻ sát nhân biến thành một người sám hối đền tội và một tâm hồn thánh thiện như vậy? Câu chuyện về cuộc hoán cải đổi đời của anh làm chấn động giới luật sư, trí thức và tôn giáo.

Khi ký vào đơn xin phong chân phước cho kẻ sát nhân đã được gặp Chúa đó, Đức Hồng Y Lustiger cầu mong anh trở thành niềm hy vọng cho tất cả những ai tự khinh rẻ mình và thất vọng, coi mình là đã tự hư mất. Không, trước mặt Chúa không ai là kẻ hư mất ngay cha khi người đó có bị xã hội kết án đi nữa.”

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. 32 Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”. Lc 5,27-32