Những đồng xu nhỏ

1566

Mùa đông vừa qua đi, tuyết tan làm cho con sông Inn ở Thụy Sĩ dâng cao mực nước tràn sang hai bờ, gây ra nạn lụt tàn phá dữ dội các ngôi làng quanh đó. Các tổ chức từ thiện ngay sau đó đã đứng ra lạc quyên cứu trợ. Có một nhóm lạc quyên khi đi ngang qua nhà một gia đình bà góa nọ, đứng lại ngoài cửa rồi ngần ngại bảo nhau:

– Thôi, chúng ta sang quyên góp nhà khác, gia đình này vốn đã quá nghèo rồi.

Thế nhưng bà góa ở trong nhà thoáng nghe biết, đã vội chạy ra, giữ đoàn quyên góp lại,. lần mãi trong chiếc ví cũ rách để đưa cho họ một đồng 20xu. Bà nói một cách chân thành:

– Xin quí vị cho tôi được đóng góp chút ít, vì dẫu sao tôi cũng còn có được một mái nhà tranh, còn có giường gỗ cho các con tôi nằm trong khi những người bị nạn lụt thì chẳng còn gì cả.

Nhóm đi lạc quyên xúc động, nhận đồng 20 xu, trân trọng bỏ vào thùng, và không quên cám ơn bà. Họ vừa định quay gót thì một bé gái trong nhà vội chạy theo và nói:

– Các bác ơi, chị em chúng cháu vừa tìm ra thêm một đồng 10 xu để đành đã lâu, các bác cho chúng cháu gởi tặng những bạn nhỏ xấu số của chúng cháu nhé.

Mọi người không cầm được nước mắt trước tấm lòng giàu tình nhân ái của cả một gia đình nghèo.

Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” Mc 12,38-44

Nói về việc làm phúc bố thí, chúng ta có những kiểu sau đây:

1. Có người giúp đỡ người khác chỉ được coi là bổn phận công bằng mà cứ tưởng mình rộng lòng bác ái như trường hợp giúp đỡ bà con thân thuộc.

2. Có người giúp đỡ làm phúc cho người khác chỉ để thỏa mãn cho mình, cho đi để được nhẹ gánh. Như trường hợp có người cho kẹo trẻ con có thể không phải vì yêu thương chúng đâu mà để mua vui cho mình khi xem những bộ mặt ngây thơ về kẹo. Đó là thứ ích kỷ tâm lý.

3. Có người làm phúc bố thí chỉ để được khen. Trường hợp này lý do làm phúc không còn là tình yêu nữa nhưng là tự cao để tìm vinh danh cho mình.

Cho nên làm phúc bố thí cũng có những luật lệ mà Tin Mừng đề ra:

1. Trước hết, Tin Mừng nói làm phúc bố thí là một cách biểu lộ lòng tin (Lc 7,5). Chúa Giêsu đã coi chay tịnh, làm phúc bố thí, cầu nguyện là một trong ba cột trụ của đời sống tín hữu (Mt 6,1-18).

2. Chúa Giêsu đòi hỏi phải làm phúc bố thí với tinh thần hoàn toàn vô vị lợi, không chút khoe khoang (Mt 6,1-4), không mong đền đáp điều gì (Lc 6,35), không tính toán (Lc 6,30). Giakêu đã làm như thế (Lc 19,8)

3. Không được làm ngơ trước bất cứ một lời kêu xin nào (Mt 5,42), vì kẻ nghèo hằng có ở bên chúng ta luôn (Mt 26,11t). Thánh Phaolô nói: “Nếu không còn vật chất để cho, thì vẫn còn bổn phận thông ban ơn huệ của đức Kitô (Sđcv 2,44.3,6).

4. Làm phúc phải có tình yêu. Chúng ta giúp đỡ ai là thực sự yêu thương người đó, vì người đó thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta cho người khác vì tình yêu thúc đẩy. Ngoài động cơ tình yêu ra, thì mọi hình thức giúp đỡ hay dâng hiến sẽ mất hết ý nghĩa. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài giúp đỡ chúng ta vì tình yêu. Ngài chết vì tình yêu. Chúng ta không có quyền sống ích kỷ nữa đâu.

5. Phải làm phúc với tấm lòng vui vẻ, “Thiên Chúa yêu thương kẻ biết cho với lòng vui vẻ” (2C 9,6t).

6. Cho một trong anh em hèn mọn là cho chính Chúa (Mt 25,31).

7. Đấu Chúa đong lại là đấu vun tràn đã dằn đã lắc (Lc 6,38).