Một nhà văn Pháp mô tả đời sống loài người bấp bênh như nhánh cây gãy trôi sông. Ông nói: Một cây ở bờ sông. Một cơn gió làm gãy lìa đi một cành. Cành cây rơi xuống sông. Từ đó nó trôi theo giòng nước trôi ra trôi vào, khi qua thành qua chợ, lúc trôi qua cánh đồng hiu quạnh, có chỗ cước trong, có nơi nước đục, khi chìm sâu, khi nổi la đà trên mặt nước… cứ thề lâu ngày lâu tháng sau cùng trôi ra biển cả và mất tích luôn.
Con người ta từ ngày tách ra khỏi lòng mẹ cũng thế. Biết bao là bấp bênh, ba chìm, bảy nổi, khi vinh, khi nhục, khi giàu, khi nghèo, lúc no, lúc đói, khi vui khi buồn, khi ở thành khi chạy về quê. Sau cùng đến giờ chết xuống lòng đất không còn ai nhớ tới.
Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sống để làm gì? Đây là câu hỏi tốn giấy mực nhiều nhất cho các triết gia, các truyền thống tâm linh, các tôn giáo, và các chủ nghĩa chính trị cổ kim. Hơn nữa, ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc hỏi câu này. Có người vài ba năm tự hỏi một lần. Có người tự hỏi thường xuyên hàng ngày, và đời sống của họ hầu như là một cuộc hành trình miên viễn đi tìm lời đáp.
Lúc còn 6, 7 tuổi, hầu như ai trong chúng ta cũng đã có lời đáp rõ ràng. Bố mẹ hỏi lớn lên con muốn làm gì? Em bé trả lời rất nhanh: Con muốn làm bác sĩ. Con muốn làm phi công. Con muốn làm ca sĩ… Rồi đến khi lớn lên, vào đại học, một số biết là mình muốn học ngành nào ở trường nào, và thi được vào trường đó. Một số khác thì không thi được vào trường ưu tiên một, đành phải vào trường ưu tiên hai, hay ưu tiên ba. Một số khác thì chẳng biết mình học gì. Cứ vào đâu đó học tạm gì đó, rồi mai mốt tính sau. Nhiều người, sau khi tốt nghiệp đại học, đã có nghề nghiệp tốt, nhưng vẫn không thích nghề, thường xuyên đổi nghề, và cả mười mấy hai mươi năm sau vẫn không biết mình nên làm nghề gì để mình thích…
Câu hỏi về nghề nghiệp đã là một điều rắc rối, nhưng câu hỏi “Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sống để làm gì?” là câu hỏi triết lý, sâu thẳm hơn vấn đề nghề nghiệp rất nhiều. Đó không chỉ là câu hỏi nghề nghiệp, mà là câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
Đôi khi, đối với một số người, câu trả lời cho câu hỏi triết lý này cũng là câu trả lời về nghề nghiệp. Ví dụ: “Tôi sinh ra để làm bác sĩ, để cứu người.” Đây là câu trả lời về nghề nghiệp, nhưng chính nó cũng có thể là câu trả lời triết lý: “Tôi sinh ra để cứu người.”
Trong một số ngành nghề khác thì câu trả lời nghề nghiệp thường đứng xa câu trả lời triết lý. Ví dụ: “Tôi làm kỹ sư vi tính”. Câu trả lời nghề nghiệp này thường không đủ sâu sắc cho nhiều người muốn có câu trả lời triết lý hơn là “vi tính”. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể triết lý: “Chúng ta có thể phục vụ đời với bất kì nghề nghiệp nào, và nghề kỹ sư vi tính của tôi là để phục vụ đời”. “Phục vụ đời” có thể là một câu trả lời triết lý rốt ráo đủ cho nhiều người.
Dù vậy, đại đa số người trong chúng ta cần câu trả lời rốt ráo hơn là “giúp ta” hay “giúp đời”. Giúp ta để làm gì? Giúp đời để làm gì? Chúng ta muốn có câu trả lời thật rốt ráo về ý nghĩa cuộc sống.
Đây thực sự là một vấn đề rất cá nhân và riêng tư. Mỗi người trong chúng ta phải tự chọn câu trả lời cho riêng mình. Không ai có thể nhờ người khác trả lời dùm mình mình sống để làm gì.
Tuy nhiên, về phương diện văn hóa dân tộc, chúng ta có thể nói đến 3 luồng tư tưởng chính trong văn hóa chúng ta ngày nay: tư tưởng thế tục, tư tưởng Kitô giáo, và tư tưởng Phật giáo.
1. Tư tưởng thế tục
Các tư tưởng thế tục thường dùng hạnh phúc của mọi người làm mục đích của cuộc sống. Mục đích cuộc sống của chúng ta là làm những điều lợi ích cho mọi người quanh ta, xã hội quanh ta. Dù ta làm việc của ta là lo cho thân ta là chính—như là quét đường để lãnh lương—nhưng quét đường là một công việc lợi ích xã hội. Ý nghĩa của cuộc đời của ta là làm ích lợi cho xã hội như thế.
Tư tưởng này gọi là tư tưởng thế tục vì nó chỉ dựa vào đời sống này, và không lệ thuộc vào một tư tưởng tôn giáo hay siêu hình nào cả. Nếu các bạn có thể dùng tư tưởng thế tục này—làm lợi ích cho xã hội–làm mục tiêu cho đời sống bạn, thì đó là một điều rất hợp lý.
Tuy nhiên, rất nhiều người không thỏa mãn với chỉ mục tiêu đó. Họ cần đi xa hơn, họ muốn tìm mục tiêu của đời sống này trong các khái niệm siêu hình, như là tư tưởng Kitô giáo hay Phật giáo.
2. Tư tưởng Kitô giáo
Kitô giáo là dịch từ chữ Christianity. Christ là Kitô, có nghĩa là đấng cứu thế. Chúng ta có thể gộp các nhóm Kitô giáo thành 3 nhánh chính: Công giáo, Chính thống giáo, và Tin lành.
Kitô giáo cho rằng vạn vật và con người do Thiên Chúa tạo ra. Con người bị tách rời khỏi Thiên Chúa và bị khổ đau vì không vâng lời Thiên Chúa. Mục đích chúng ta trong đời sống này là kết hợp trở lại làm một cùng Thiên Chúa, bằng cách thực hành hai điều chính: Yêu Thiên Chúa, và yêu tất cả mọi người vô điều kiện. Và mọi điều tốt chúng ta làm ở đời sống này là vì ta yêu Thiên Chúa và thương yêu loài người.
Tức là người Kitô giáo có mục đích sống yêu Thiên Chúa và yêu người, để được kết hợp làm một với Thiên Chúa trong đời này, và vĩnh viễn sau khi chết.
3. Tư tưởng Phật giáo
Phật giáo dạy rằng tất cả mọi chúng ta đều là Phật đang thành, nhưng trước khi thành Phật ta sẽ phải loay hoay trong 6 nẻo luân hồi qua nhiều kiếp, có thể đến vô lượng kiếp. Sáu nẻo đó là: trời, người, atula, súc sinh, ngạ quỹ, địa ngục. Tùy theo công đức của ta thế nào trong kiếp này, kiếp sau có thể vào một trong 6 nẻo luân hồi. Nếu ta biết tu tâm dưỡng tính, thì một lúc nào đó trong kiếp này hay một kiếp nào đó trong tương lai ta sẽ giác ngộ, thoát khỏi vòng luân hồi lẩn quẩn, và thành Phật.
Do đó, mục đích của đời sống của ta là tu tâm dưỡng tính để giúp ta giác ngộ (tự độ) đồng thời chỉ dẫn những người khác tu tâm dưỡng tính để họ có thể giác ngộ cùng ta (độ tha), và tất cả thành Phật.
Các tôn giáo khác của Việt Nam thường cũng tương tự với tư tưởng Kitô giáo hoặc Phật giáo trong một vài điểm chính.
Cả 3 hệ tư tưởng bên trên đều có một điểm chính giống nhau—đó là yêu người và phục vụ con người và xã hội quanh ta. Và đây là điểm rất quan trọng. Kinh nghiệm tư duy con người qua mấy ngàn năm cho thấy, mục đích của đời sống của ta phải là cái gì lớn hơn cá nhân của ta. Nếu ta chỉ có chính ta là đích điểm của cuộc sống (“tôi sống chỉ để phục vụ chính tôi”), thì một lúc nào đó ta sẽ thấy cuộc đời ta rất nhạt nhẽo, vô vị, nhàm chán, và vô nghĩa. Cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa khi xã hội quanh ta, con người quanh ta, là một phần đích điểm của cuộc sống của ta.
Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm “mục đích của cuộc đời của tôi là gì?” hay “tôi sống để làm gì?” cách chắn chắn nhất để bạn có thể tìm ra một câu trả lời là bắt đầu với ý tưởng phục vụ xã hội —phục vụ làng xóm tôi, phục vụ đồng bào tôi, phục vụ dân tộc tôi, phục vụ đất nước tôi, phục vụ thế giới tôi…
Rồi ý tưởng phục vụ đó sẽ một lúc nào đó đưa bạn đến câu trả lời cụ thể hơn thuộc một trong ba hệ tư tưởng chính bên trên, hay một hệ tư tưởng tương tự nào đó, hay một hệ tư tưởng mới do chính bạn sáng tạo.
Chúc các bạn một ngày ý nghĩa.
Mến,
Hoành