Lời kinh buồn

1240

Chiều muộn, một anh nông dân nghèo trên đường từ chợ phiên về nhà chợt nhận ra rằng mình không đem theo sách kinh nguyện. Chiếc xe kéo của anh đang lăn bánh giữa một khu rừng và anh lo âu rằng ngày hôm nay của mình sẽ trôi qua mà chẳng có kinh nguyện nào cả.

Vì thế, anh thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con đã làm một điều thật tệ hại. Sáng nay con ra khỏi nhà mà không nhớ mang theo sách kinh nguyện, trí nhớ con lại tồi đến nỗi con chẳng có thể đọc suông một kinh nào nếu không có sách. Vậy, con chỉ còn có cách này: Con sẽ đọc chậm rãi bảng chữ cái ABC… năm lần, và vì Chúa biết rõ hết mọi kinh, xin Chúa tự xếp các chữ ấy thành những kinh mà con không thể nhớ. Vậy nhé!”

Và Chúa nói với các thiên thần của Ngài: “Trong số tất cả những kinh nguyện mà Ta nghe hôm nay, rõ ràng đây là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất, bởi vì nó đến từ một tấm lòng đơn sơ chân thành.”

Có mấy cách cầu nguyện? Có 3 cách: Lời cầu nguyện phát ra từ môi miệng, rung động trong tâm tình, biểu lộ qua đời sống.

1.Khẩu nguyện: Là họp nhau dâng lời ngợi khen, cảm tạ và cầu xin Chúa qua lời kinh, tiếng hát, có khi cộng đồng, có khi riêng tư. Chúa Yesus đã dạy các môn đệ khẩu nguyện khi dạy họ đọc kinh Lạy Cha. Còn Chúa Yesus thì cầu nguyện bằng các lời kinh phục vụ trong Hội đường. Chúa Yesus cũng cầu nguyện bằng cách phát biểu riêng trong vườn Cây Dầu / (Cat 2701)

a/Công nguyện: Cầu nguyện cộng đồng thì có giá trị hơn, đáng cho Chúa chấp nhận hơn. Chúa dạy: Ở đâu có 2-3 người họp nhau… (Mt 18-20). Cộng đồng tập họp cử hành Thánh Lễ, suy tôn Lời Chúa, tôn thờ Thánh Lễ, cử hành nhiệm tích, phụng vụ giờ kinh, bao giờ cũng có giá trị đặc biêt, xứng đáng hơn => đó là việc nhân danh Chúa Kitô và làm đại diện cho Giáo Hội.

Giáo Hội dạy rằng: Cầu nguyện lên tiếng bên ngoài mang tính con người đầy đủ, là việc cầu nguyện tuyệt hảo nhất. Chúng ta không được bỏ qua việc cầu nguyện thành tiếng.

b/Tư nguyện: Ngoài việc cầu nguyện công, còn cần phải cầu nguyện tư tùy theo mỗi tâm hồm, hoặc do luật buộc, hoặc do tự tình. Chúa Yesus đã truyền dạy: “Khi cầu nguyện, các con hãy vào phòng đóng kín cửa lại…” ( Mt 6,6).

2.Tâm nguyện: Là bản chất, là linh hồn của việc cầu nguyện. Nếu miệng đọc mà trí khôn không suy tưởng, trái tim không rung động hòa nhịp, lời kinh tiếng hát không phát sinh do lòng yêu mến, thì lời cầu nguyện đó như “xác chết vô hồn”.

Chúa Kitô đã khiển trách bọn Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng…” (Mt 15, 8). Chúa cũng phán với thiếu phụ Samaria: Đã đến lúc người ta phải tôn thờ Thiên Chúa bằng chân lý (Yn 4, 23). Bằng tinh thần với lòng yêu mến, bằng chân lý là nhận ra mình là thụ tạo thấp hèn, nên khiêm tốn đặt niềm tin tưởng cầu xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp.

Giáo Hội dạy rằng: Thiên Chúa tìm kiếm những kẻ tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý. Thiên Chúa muốn có lời cầu nguyện xuất phát từ những chỗ sâu thẳm nhất của con người một cách sống động, Thiên Chúa cũng muốn thân xác chúng ta phụ họa với lời cầu nguyện nội tâm. Nếu chúng ta cầu nguyện đầy đủ như thế, sẽ mang lại cho Thiên Chúa sự kính tôn hoàn hảo mà Ngài có quyền đòi hỏi chúng ta  (Catechismus 2703)

3.Hành nguyện: Là sống theo tinh thần của việc cầu nguyện. Nếu việc làm không đi đôi với lời cầu xin, thì đời sống nhịp nhàng, không ăn khớp. Nếu đời sống không hòa nhịp với lời chúc tụng, nếu các hành động không thấm nhuần tinh thần Chúa, không phát xuất từ tâm tình yêu mến tràn đầy, thì cũng chưa mang lại cho linh hồn thành quả tốt đẹp nào.

Linh hồn có tinh thần cầu nguyện luôn kết hợp với Chúa bằng tình con ngoan thảo với Cha nhân từ. Họ luôn lấy việc làm chứng minh lòng yêu mến Chúa, luôn ý hợp tâm đầu với Chúa, đến nỗi họ chỉ muốn điều Chúa muốn và làm điều Chúa muốn. Đó là đỉnh cao của việc cầu nguyện.