Bà mẹ nọ – lần kia – đem con gái mình đến gặp Gandhi và giải thích với ông rằng con bé mắc tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Bà khẩn nài Gandhi thuyết phục con bé dứt bỏ tật xấu ấy. Gandhi ngồi trầm ngâm một hồi, rồi nói: “Ba tuần nữa, bà đem cháu trở lại đây. Và tôi sẽ nói chuyện với nó.”
Ba tuần sau, người mẹ đưa con mình trở lại. Lần này, Gandhi gọi bé gái đến bên mình và ôn tồn giải thích với em về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt. Ông khuyên cô bé nên bỏ tật xấu ấy đi. Người mẹ mừng rối rít và cám ơn Gandhi vì những lời khuyên quí giá của ông cho con gái mình; nhưng bà không dấu được thắc mắc: “Thưa Thày, tại sao Thày đã không trao cho cháu những lời khuyên ấy ngay lần trước, cách đây ba tuần?”
Gandhi trả lời: “Cách đây ba tuần ư? Lúc đó chính tôi cũng còn đang mắc tật xấu ăn quá nhiều đồ ăn ngọt!”
Bạn phải trở thành tấm gương trước khi bạn có thể dạy bài học
Việc này khó đấy. Nó đòi hỏi cha mẹ phải tự phản ánh về bản thân mình. Cha mẹ càng hiểu rõ và nắm bắt được bản thân mình tốt bao nhiêu thì càng làm cha mẹ tốt bấy nhiêu. Đơn giản là thế. Chúng ta cần nhìn thật kỹ cách mà chúng ta đang làm gương cho con trẻ. Chúng ta không muốn gào thét vào mặt con để bắt con dừng gào thét hoặc quát nạt chúng để bảo chúng bình tĩnh lại. Chúng ta phải dành một phút tự khép bản thân vào kỷ luật trước khi yêu cầu kỷ luật với con.
Các bậc cha mẹ thường hỏi có tin vào hiệu quả của việc phạt hay không. Có – nhưng không phải cho bọn trẻ – mà là cho cha mẹ! Hãy tạm lánh ra chỗ khác trước khi bạn nói điều mà bạn có thể sẽ tiếc nuối khi đang trong cơn cao trào. Một người mẹ thấy con mình nói dối và ngay lập tức la lên: “Sau tất cả những gì mẹ làm cho con, đây là cách con đối xử với mẹ sao? Con hư quá đấy!” Nếu người mẹ ấy đã cho mình khoảng thời gian một giờ hoặc một ngày, cô ấy đã có thể truyền thải thông điệp một cách bình tĩnh hơn, thay vì dán nhãn cho con mình. Nếu cô ấy đã tự cho mình một quãng thời gian, cô ấy đã có thể thay việc gọi tên bằng một cuộc nói chuyện thấu đáo hơn về giá trị của lòng trung thực.
Việc dạy con cái quản lý cảm xúc đòi hỏi chúng ta trước hết học cách điều tiết cảm xúc của chính mình. Làm cha mẹ là cơ hội tuyệt vời để tự rèn giũa bản thân, nhờ đó chúng ta dạy dỗ con cái tốt hơn.