Dĩnh Khảo Thúc nghe tin Trịnh Trang Công an trí Khương Thị là mẹ Trang Công thường nói:
– Mẹ dẫu bất từ, con không được bất hiếu. Chúa công làm việc này, tổn thương đến phong hóa nhiều lắm.
Rồi Dĩnh Khảo Thúc đi bắt mấy conchim cú đem vào trong cung dâng Trang Công, Trang Công hỏi:
– Nó là chim gì ?
Dĩnh Khảo Thúc nói:
– Nó là chim cú. Giống chim này ban ngày thì dầu quả núi ở trước mặt cũng không trông thấy, mà ban đêm thì tinh mắt lắm, cái tơ cái tóc cũng trông thấy rõ cả. Thật là một con vật trông rõ được cái nhỏ mà không trông thấy được cả cái lớn. Lúc nó bé, mẹ nó kiếm mồi nuôi nó, đến lúc lớn thì nó lại mổ mẹ nó, nó là giống chim bất hiếu, vậy nên tôi bắt để ăn thịt.
Trịnh Trang Công nín lặng, không nói gì cả. Vừa lúc đó, đầu bếp dâng lên một con dê chín.
Trịnh Trang Công sai cắt một vai đưa cho Dĩnh Khảo Thúc ăn. Dĩnh Khảo Thúc chọn lấy những miếng thịt ngon, đem bọc vào giấy, giấu ở trong tay áo.
Trịnh Trang Công thấy lạ, liền hỏi, Dĩnh Khảo Thúc trả lời:
– Tôi có mẹ già mà nhà lại nghèo, ngày nào mẹ tôi cũng chỉ ăn các thứ dã vị, chưa được ăn đến món ăn ngon này; nay Chúa công ban cho tôi mà mẹ già tôi không được nếm một miếng thì tôi nuốt sao được, vậy tôi phải đem về dâng lên mẹ già.
Trịnh Trang Công nói:
– Nhà ngươi thật là một con người chí hiếu.
Theo Đạo lý của người Việt nam, việc hiếu kính, phụng dưỡng mẹ cha, tôn quí ông bà là bổn phận thiêng liêng mà cháu con phải gìn giữ “Một lòng thờ Mẹ, kính Cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” Cho nên một khi được kể là thiêng liêng thì việc tỏ lòng hiếu kính trở thành mối quan hệ tình cảm máu thịt, một chu kỳ thương yêu khắn khít được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Điều quan trọng là cách thể hiện làm sao và thể hiện như thế nào để đẹp lòng Cha mẹ thì vẫn luôn là niềm trăn trở đối với những người còn Mẹ còn Cha và đôi khi trở thành nỗi ân hận, tiếc nuối trong những trường hợp Mẹ Cha đã đi vào yên nghỉ ngàn thu.
Chúng ta sẽ chẳng làm gì được cho ông bà, kể cả cho ăn hoặc uống qua những phong tục cúng tế; ngược lại ông bà cũng sẽ chẳng phù hộ gì được cho chúng ta cả. Không phải thầy Tăng Tử đã một lần nói: “Giết trâu tế mộ, khi cha mẹ qua đời rồi thì chẳng bằng giết con gà, con heo lúc cha mẹ sanh tiền” sao? Khi cha mẹ còn sống biết chăm sóc, nấu cho cha mẹ một món ăn ngon, khi đau ốm lo thuốc men chữa trị, khi buồn bã đi thăm viếng yên ủi thì mới thật sự bầy tỏ lòng “hiếu thảo” thực tế của mình theo như lời Chúa đã dạy.
Người xưa chúng ta cũng có câu tục ngữ như sau: “Sống thì con chẳng cho ăn; chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi,” thì còn gọi là quí trọng sao? Vả lại nếu chịu suy nghĩ và tự đặt câu hỏi là chúng ta “thờ cúng ông bà mình mấy đời thì mới gọi là đủ hiếu?” Quá lắm là ngũ đại: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển; vậy còn những đời trước đó thì sao, ai nuôi cho họ ăn đây? Và nếu chỉ cho ông bà ăn trong những ngày rằm, còn mấy ngày kia không cho ăn, thì tự hỏi sự “bỏ đói” như vậy được gọi là có hiếu chăng?
Còn các vấn đề khác như ăn mặc, tiêu xài cho ông bà thì sao, ai sẽ lo? Vả lại, gần 2/3 số người trên thế giới ngày nay không cúng kiến nhang đèn, như vậy có thể nào mình gọi họ là những kẻ bất hiếu sao? Cho nên những thành kiến đòi hỏi phải có sự cúng tế người chết mới gọi là “đủ hiếu” thì xem chẳng có lý.