Con dơi

1440

Aesope là một nhà hiền triết Hy lạp kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây; Ngày xưa, các động vật trên đất và các loài chim trên trời giao chiến với nhau. Một con dơi bần tiện có óc cơ hội. Khi loài chim thắng, nó bay tới gần bảo mình thuộc giống chim. Khi động vật trên đất chắng, nó cũng chạy đến nói mình thuộc giống chạy trên đất. Nhưng khi thói giả hình của hắn bị phanh phui, cả hai loài sinh vật đều ghét và xua đuổi hắn. Con dơi phải trốn chui trốn nhủi, đến nỗi chỉ ban đêm mới dám mò ra kiếm ăn.

Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van. Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết. Hc 35, 15b-17. 20-22a

Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Lc 18, 9-14 

Qua các hình thức giữ đạo như thế, thực chất của Đạo không còn bề sâu, mà chỉ được đánh giá với những vẻ bề ngoài. Không lạ gì những cách giữ đạo bề ngoài hình thức đã thay thế quan niệm đạo đức của chiều sâu tâm hồn. Và kẻ giữ đạo như thế đã trở thành giả hình và tưởng mình thánh thiện từ lúc nào không biết! Nên họ thường hay kết án và khinh chê kẻ khác.

Như thế, điều mà chúng ta nhìn thấy trong các xứ đạo hôm nay nơi những người tưởng mình đao đức hay khinh chê kẻ khác sẽ không còn là điều xa lạ. Trong đời sống giữ Đao Chúa, cái tâm thức của Đạo không hệ tại các hình thức của Đạo như nghi lễ và lề luật, mà hệ tại điều sâu kín trong trái tim chúng ta: đó là tình yêu chân thật của ta đối với Chúa và tha nhân. Khổ nỗi trong thực tế, có một số nhóm, hội đoàn hay phong trào hoặc các cuộc tổ chức tĩnh tâm qúa thổi phồng hình thức của các việc đạo đức, nên không ít người tự động bị sống trong ảo tưởng của Đạo khi thấy mình đang làm được một số việc đạo đức, bác ái hay giữ luật lệ hoặc nhóm họp cầu nguyện chia sẻ thường xuyên… Còn đa số các tín hữu lại hay quan niệm giữ Đạo là siêng năng lần hạt hoặc tham dự thánh lễ, nhất là các ngày Chúa Nhật, và từ đó yên tâm là mình đạo đức, vv… Khi họ thấy ai không giống họ, họ không ngại kết án những người ấy là vô đạo, là tội lỗi. Xem ra thời nào cũng có hai loại người cầu nguyện: một loại cầu nguyện ở cuối nhà thờ và loại kia cầu nguyện trên cung thánh với tâm tình của hai người trong dụ ngôn của Chúa Giêsu.