Câu chuyện xảy ra tại giáo xứ kia. Hai đứa bé chơi với nhau và đánh nhau, chuyện rất nhỏ vẫn thường hay xảy ra. Nhưng chuyện trẻ em dần dần lây lan thành chuyện của người lớn.
Cả hai gia đình xúm vào cãi nhau, lúc đầu chỉ lời qua tiếng lại, sau đó dẫn đến tranh chấp. Đấu bằng miệng không đủ, chuyển sangđấu đá bằng tay chân. Khổ nỗi,vị đứng đầu một trong hai gia đình lại là trùm xứ, có tiếng là đạo đức và rất siêng năng trong việc chung.
Một buổi tối nọ khi trời nhá nhem tối, hai gia đình lại xô xát. Ông trùm cầm một cây gậy lớn phang vào đầu đối thủ, chẳng may đập ngay vào đầu đứa con trai mình. Thằng bé chết trên đường chuyển đến bệnh viện. Từ đó, trong lòng ông, sự căm thù ngày càng dâng cao và ông quyết tâm trả thù. Cha xứ khuyên can thế nào ông cũng chẳng nghe.
Lúc ông lâm trọng bệnh và hấp hối chờ chết, người nhà mời cha xứ đến để giải tội và xức dầu. Một lần nữa cha xứ lại hết lời khuyên lơn xin ông làm hòa để tìm lại bình an trong tâm hồn, nhưng ông nhất định không. Cha xứ không thể nào giải tội và ban Bí tích Xức dầu cho ông ta.
Tâm hồn ông vẫn còn mang nặng một khối đá lớn cản che ơn thánh, đó là sự hận thù. Ông ta chết đi, đôi mắt vẫn luôn trợn ngược và không thể nhắm lại. Một kinh nghiệm thật đáng buồn.
Một con chiên được nuôi dưỡng cẩn thận, nhưng vì không cho những hàng rào, sợi xích là cần thiết để bảo vệ an ninh, trái lại thích sống phóng túng trong rừng; nó đã bứt xích, xé rào để đi theo sự tự do phóng túng, cho dù tiếng tù và của chủ kêu gọi cũng không làm nó trở về được. Cuối cùng nó đã bị chết vì nanh vuốt chó sói (La chèvre de Séguin của A. Daudet).
Có khi đó là hình ảnh của một số “con chiên” của Chúa: dầu cho người mục tử tốt lành của Chúa nuôi dưỡng, săn sóc tận tình, có thí mạng sống vì con chiên đi nữa: thì những con chiên ưa tự do quá trớn, ưa nếp sống phóng đãng, ghét tất cả mọi thứ ràng buộc lề luật, ghét cả những biện pháp bảo vệ chính đáng, họ đã tìm cách thoát ly những ràng buộc ấy… kết quả dĩ nhiên là họ sẽ sa vào nanh vuốt của ma qủi, thế gian và những dục vọng cá nhân.
Chúa là mục tử tốt lành, không những chỉ kêu gọi chiên lạc trở về, mà còn mất công lặn lội đi tìm kiếm khắp nơi, tận chân trời góc biển, trong rừng sâu hay giữa sa mạc… cốt sao tìm thấy thì mới mãn nguyện.
Được mấy con chiên biết nghĩ đến lòng nhân lành yêu thương của chủ chăn, của mục tử để học biết vị mục tử nhân lành của mình, để luôn luôn nghe tiếng mục tử kêu gọi và để đi theo chủ chăn đến chỗ đồng cỏ xanh, đến bên giòng suối mát trong ?
Muốn được thế cần biết chấp nhận một số ràng buộc, một số biện pháp an ninh hay những che chở chống lại địch thù: biết từ bỏ dục vọng phóng túng, từ bỏ sự tự do quá trớn. Chấp nhận và từ bỏ như vậy không có nghĩa là mất tự do, mà là tránh lạm dụng tự do. Bởi vì được phóng túng thả lỏng đôi chút, nhưng rồi mất sinh mạng, mất sự sống muôn đời và mất luôn ơn cứu độ thì được ích gì ?(Mt 16,26)