Có hai người bạn thân với nhau từ nhỏ. Một người tin vào Chúa Giêsu, còn người kia thì không. Một ngày kia, người bạn không tin Chúa Giêsu chuẩn bị lên tàu cho một cuộc hành trình xa; và người bạn kia thì cảm thấy rằng mình cần phải nói về Chúa Giêsu cho bạn của mình ngay trước cuộc hành trình. “Mình sẽ nói về Chúa cho anh ấy trên đường ra bến cảng”, anh hứa với lòng mình.
Nhưng khi họ ra đến bến cảng, anh ta vẫn chưa đủ dũng cảm để nói về Chúa Giêsu cho bạn của mình. Sau đó, anh ta lên tàu để nói tạm biệt với bạn của mình và nghĩ: “Khi nào mình mang hành lý lên phòng cho anh ấy, mình nhất định sẽ nói về Chúa Giêsu cho anh ấy.” Nhưng thủy thủ tàu đã lấy hành lý và mang lên phòng, cho nên người bạn tin Chúa Giêsu vẫn chưa có cơ hội để thực hiện lời hứa của mình. Cuối cùng, anh ấy quả quyết với chính mình rằng: ” Chắc chắn mình sẽ làm chứng cho anh ta ở một chỗ yên tịnh nào đó trước khi tàu nhổ neo.”
Đột nhiên, thuyền trưởng tàu thông báo rằng tất cả các khách tham quan phải rời khỏi tàu ngay lập tức để con tàu có thể nhổ neo và ra khơi. Hai tháng sau, người bạn tin Chúa Giêsu nhận được thông báo về cái chết của bạn mình ở ngoài khơi.
Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và bảo: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. Và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. Lc 24,46-53
Giacomo Puccini, một nhạc sư sáng tác người Ý, đã để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch (opera) rất nổi tiếng. Năm 1922, khi được 64 tuổi, nhạc sư Puccini bị bệnh ung thư ác tính. Mặc dù bị cơn bệnh hành hạ đau đớn, nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn tất vở ca kịch Turandot mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông. Ông đã làm việc ngày đêm không nghỉ. Nhiều người khuyên ông hãy nghỉ ngơi vì chắc ông sẽ khó lòng hoàn tất được vở ca kịch này. Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, Puccini đã viết cho các học trò của ông như sau :”Nếu thầy phải ra đi không kịp hoàn tất được vở ca kịch Turandot, thầy muốn các tròtiếp tục công việc để hoàn thành tác phẩm ấy cho thầy”.
Năm 1924, Puccini được đưa sang một bệnh viện tại nước Bỉ để chịu giải phẫu và hai ngày sau thì qua đời. Sau khi ông mất, các học trò của ông đã qui tụ lại, phân công mỗi người một phần tùy theo tài năng để hoàn tất vở ca kịch Turandot của thầy, và sau nhiều ngày vất vả, họ đã hoàn tất được vở ca kịch nổi tiếng này.
Năm 1926, vở ca kịch Turandot lần đầu tiên được trình diễn tại nhà hát kịch ở Milan. Vởca kịch đã được nhạc trưởng là môn sinh rất được Puccini ưa thích điều khiển. Khi dàn hòa tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puccini đã sáng tác dang dở, những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông đã ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra phía khán giả nói lớn: ”Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu không một tiếng động! Sau đó, nhạc trưởng cầm cây đũa, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ và nói lớn: ”Nhưng các môn sinh của ông đã tiếp tục hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch kết thúc, cả nhà hát bùng lên những tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Mắt mọi người đều rơi lệ và từ đó về sau không ai có thể quên được giây phút đáng nhớ ấy.
Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Người, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi tín hữu chúng ta nói riêng. Trước khi lìa xa môn đệ về trời, Chúa Giêsu đã để lại chúc thư cho Hội Thánh qua các Tông đồ như sau: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền choanh em. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).