Người Ả Rập thường kể câu chuyện sau:
Hai người trẻ một trai một gái, đi hai đường khác nhau để xuống phố.
Nhưng có một đoạn, hai con đường gặp nhau, nên họ phải chung đường. Người con trai mang ấm nước trên lưng, một tay cầm gậy và con gà, tay kia ôm con dê.
Một lát sau, họ đến một vực sâu. Người con gái đứng lại và nói:
– Tôi không xuống vực với anh đâu.
– Sao vậy?
– Tôi sợ anh sẽ ôm hôn tôi.
– Làm sao tôi có thể ôm hôn cô được? Cô không thấy cả hai tay, cả trên lưng tôi đều mang đồ kềnh càng đó sao?
– Nhưng anh có thể bắt tôi ôm con dê, rồi anh đặt cây gậy xuống đất, lấy cái ấm úp con gà. Và rồi anh đến ôm hôn tôi
Người con trai thán phục nhìn cô gái đẹp, cuối cùng anh nói:
– Cầu đức Alah phù hộ cho sự khôn ngoan của cô. Rồi cả hai người, kẻ trước người sau, đi qua vực sâu.
Nỗi sợ thứ nhất là: Đọc kinh dâng lễ mà không cầu nguyện.
Xưa, Chúa Giêsu đã mượn lời tiên tri Isaia mà nói về nhiều người đạo đức Do Thái rằng:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta” (Mt 15,7-8).
Bây giờ cũng thế. Nếu không tỉnh thức, tôi cũng dễ rơi vào thói quen đọc kinh thực nhiều, dâng lễ với nghi thức hoành tráng, nhưng lại không thực sự cầu nguyện. Bởi vì tôi cầu nguyện với tâm tình kiêu ngạo, tự kể công và coi mình đạo đức hơn kẻ khác. Như thế, tôi sẽ bị Chúa ruồng bỏ (x. Lc 18,9-12). Chúa cũng sẽ ruồng bỏ tôi, nếu tôi cầu nguyện với những hình thức bề ngoài khoe khoang (x. Mt 6,5-6). Cầu nguyện thực là xin được vâng ý Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thực tế cho thấy ngay cả đến hành hương và tĩnh tâm, nếu không tỉnh thức, cũng sẽ thiếu vắng cầu nguyện đích thực.
Nỗi sợ thứ hai là: Nhập thế mà không khổ chế.
Xưa, Chúa Giêsu đã nhập thế. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).
Con đường đau khổ, mà Người đã đi, cũng được Người giới thiệu cho các kẻ theo Người. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Chúa Giêsu đã sống khổ chế. Người dạy các môn đệ Người cũng hãy sống khổ chế. Thế mà, nếu tôi coi thường gương đời Người và lời Người dạy, để sống buông thả, thì sẽ ra sao về đạo đức Kitô giáo, mà tôi có trách nhiệm? Hưởng thụ tới mức báo động đang trở thành một lối sống bình thường của nhiều môn đệ Chúa tại nhiều nơi.
Nỗi sợ thứ ba là: Làm việc lành theo ý riêng, chứ không theo ý Chúa.
Xưa, Chúa Giêsu đã phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”(Mt 7,21-23).
Bây giờ cũng thế. Nếu không tỉnh thức, tôi cũng sẽ dễ bị Chúa xua đuổi như vậy, cho dù tôi đã nhân danh Chúa, mà làm nhiều việc coi như vẻ vang cho Hội Thánh Chúa. Thí dụ: Những công trình xây cất vĩ đại, những tổ chức lễ lạy hoành tráng, những con số đào tạo đông đảo, những đấu tranh vang dội dành quyền lợi cho Công giáo. Nếu chẳng may, tôi để cho ý riêng hiếu thắng của tôi hoặc của tập thể thúc đẩy chi phối, thì tôi sợ tôi sẽ không tránh được số phận bị Chúa gọi là bọn gian ác, như Chúa đã nói với những người đã nhân danh Chúa mà làm phép lạ trên đây.
Nỗi lo thứ tư của tôi là: Hay xét đoán người khác một cách kiêu căng.
Xưa, Chúa Giêsu đã phán: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại…
Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?…” (Lc 6,36-42).
Những lời Chúa phán trên đây làm tôi tỉnh giấc. Bởi vì nhiều khi, tôi như quen ngủ trong ảo tưởng là mình phải tố cáo, phải kết án người khác một cách tự hào, tự đắc, thì mới là đạo đức. Ai ngờ làm thế là quá sai trước mặt Chúa.