Một thủ lãnh mà không cố gắng để chữa lành thì không đáng cầm quyền. Albert Bessières.
Ngay từ 15,16 tuổi nhiều người đã tập nắm quyền: cầm đầu một nhóm, một đội thể thao… hoặc đơn giản chỉ là trưởng nam trưởng nữ trong nhà… Biết nói gì về người lớn, từ ông cảnh sát đến nhân viên, từ mẹ đến cha, thợ và chủ: mỗi người đều có một phần làm chủ, cầm quyền… Quyền bính của tôi nằm trong lãnh vực nào? Tôi là thủ lãnh của những ai? Ưu tư số một của tôi là nhắm tỏ rõ quyền lực hay chu toàn phận sự? Điều đó có chà đạp người phạm lỗi hay tôi sẽ khuyên lơn, khuyến khích người đó hành động tốt hơn? Tôi có những đức tính của một người mà tôi muốn coi là thủ lãnh không?
Trước tiên chúng ta nhìn lướt qua Sách Thủ Lãnh trong Thánh Kinh:
* Rửa chân là một cách thâu tóm tất cả ý nghĩa cuộc đời của Chúa, nhằm giúp cho các môn đệ ghi khắc tận tâm khảm ý nghĩa ấy. Lúc bấy giờ, các ông nào có hiểu việc Ngài làm. Nhưng không sao. Sau này các ông sẽ hiểu. Cử chỉ rửa chân được thực hiện ở phần cuối sách Phúc Âm giúp chúng ta hiểu rằng tất cả cuộc đời của Chúa, từ đầu đến cuối, chính là một sự rửa chân, một cuộc đời phục vụ con người. Ðó là một cuộc đời được hiến ban cho người khác, sống vì hạnh phúc của người khác. Một cuộc đời trở thành “tấm bánh bẻ ra cho thế giới”. Khi dạy ta làm như mình đã làm, Ðức Giêsu đã coi sự phục vụ như một luật nền tảng, hoặc đúng hơn, một lối sống, một gương mẫu cho mọi mối tương giao trong Giáo Hội và trong xã hội.
Chúa đã nói với Phêrô là sau này ông sẽ hiểu việc Ngài làm. Quả thực, sau này Phêrô đã hiểu, các môn đệ đã hiểu, cả Giáo Hội đã hiểu, và đã không ngừng nói đến phục vụ, cũng như bằng mọi cách muốn cho các tín hữu sống phục vụ. Khi phác hoạ chân dung một người goá bụa lý tưởng, để có thể vào hàng các bà goá, Phaolô bảo người đó phải biết “rửa chân cho các thánh” (1Tm 5,10) (“Thánh” ở đây không có nghĩa như ta quen hiểu là vị này vị kia được Giáo Hội tôn phong và kính nhớ, nhưng chỉ tất cả mọi tín hữu, những người được thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa, được Thiên Chúa tác thánh, làm nên một dân thánh, một đền thánh).
Tất cả giáo huấn của Phaolô về đặc sủng đều quy về phục vụ, vì nếu ân sủng là dành cho cá nhân, thì đặc sủng là dành cho cộng đồng. Phục vụ được coi là linh hồn và mục tiêu của đặc sủng. Theo Phaolô, mọi cách biểu lộ đặc biệt của Thần Khí đều là “vì ích chung” (1Cr 12,7). Những đặc sủng được ban để các tín hữu “được chuẩn bị làm công việc phục vụ” (Ep 4,12). Khi khuyên các tín hữu phải có một thái độ cần thiết trong thời cánh chung, Phêrô bảo: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4,10).
Lạy Chúa, trước mặt Ngài, con nghĩ tới trách nhiệm của con, và con sẽ thấy rõ hơn hành động thế nào.