Một số lời trách mắng mà cha mẹ thốt ra trong lúc nóng giận có thể gây nhũng tác hại trên trẻ như đòn roi. Thế mà những lời ấy lại rất thường nghe phải…
“Cha mày là kẻ bất tài, chẳng ra gì”
Bảo với một đứa trẻ rằng cha nó là một kẻ chẳng ra gì cũng hàm ý nó sẽ chịu cùng số phận, vì nó là con của nguời ấy. Nếu lời đã lỡ thốt ra, tốt hơn người mẹ nên trở lại chủ đề, thừa nhận đã nói ra trong lúc giận dữ. Điều cần thiết là tránh hạ thấp giá trị chồng trên cương vị người cha, đừng mắng mỏ “cha mày thế này thế kia” trước con trẻ.
“Nếu con không vâng lời, mẹ sẽ đi và bỏ con lại”
Lời đe dọa kiểu này thường nhắm vào những đứa con nhỏ, dùng dằng không muốn đến trường, hoặc nhăn nhó không muốn rời nhà bạn để về nhà. Lời này thường được thốt ra vào lúc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, bực dọc. Trẻ bị tổn thương ở mức độ nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa. Nếu cha mẹ nói thế nhiều lần mỗi ngày, trẻ sẽ buồn, nhưng sau đó trẻ sẽ không còn quá quan tâm, vì nó biết điều đó không xảy ra.
“Con là kẻ vô dụng”
Câu này thường được thốt ra khi trẻ trở về nhà với bảng điểm kém, hay bỏ một ngày học thêm. Đây là một kiểu bạo lực tâm lý rất thường xảy ra, cha mẹ phạm phải mà không lường hậu quả. Trẻ sẽ nhớ lâu rằng nó là “đồ vô dụng” ảnh hưởng xấu đến sự tự tin của trẻ.
Khi bạn muốn nêu một phê phán tiêu cực, đừng nhắm vào con người mà vào hành vi hay một kết quả: “kết quả học kém” khác với “con là kẻ kém cỏi”. Trẻ sẽ không bị tổn thương và có thể thừa nhận sự thật dễ dàng hơn. Đồng thời chuẩn bị chu đáo hơn để tiến bộ.
“Nói thêm tiếng nữa, con sẽ bị ăn đòn”
Thường sự bực bội do bất mãn, phật ý phải chịu trong ngày, lúc về nhà người mẹ trút giận sang con. “Mày sẽ bị một trận đòn”, đó là câu nghe đến nhàm tai, được thốt ra một cách dễ dàng, mà không nhất thiết chuyển sang hành động. Tác động trên trẻ thế nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa và những gì xảy ra sau đó.
Đòn hay tát, ngay cả khi chỉ là lời đe dọa, không phải là cách giáo dục hay. Tốt hơn nên hướng sang một giải pháp khác, chẳng hạn thừa nhận: “Mẹ đã giận vô lý”, hay “Mẹ con ta nên tránh mặt một lúc, con vào phòng, còn mẹ ra sân”. Là người lớn, nên biết tránh bạo lực bằng cách đặt ra khoảng cách, tìm một thái độ có trách nhiệm hơn.
Kim Thu
Người Hoa Kỳ hay có kiểu nói đùa là một ngày kia nhìn vào trong gương và khám phá ra mình bỗng chốc trở thành như cha hoặc mẹ!!!.. Nói rồi nhún vai làm thinh hoặc tủm tỉm cười một mình mắt liếc cha mẹ. Ðối với người Việt chúng ta câu nói đùa này vô tội vạ chẳng có gì hay ho hoặc đặc biệt vì. chúng ta có lẽ không nằm trong “tần số” ấy! Người Việt ta mong rằng “con hơn cha là nhà có phúc”, giả như không hơn thì bằng cha có lẽ cũng đã .đủ rồi! Sự việc không chỉ đơn giản như thế! Người Hoa Kỳ thường bảo: Children learn what they live. Nói một cách khác, con cái chúng ta sẽ nên giống chúng ta, mặc dù chúng thường cố gắng hết sức để trở nên cá biệt.
Gương sáng trong cuộc sống của chúng ta chính là cái khuôn đúc nên con cái chúng ta. Gương sáng đóng vai trò lớn trong việc nuôi dạy con cái trong niềm tin. Tiền nhân vẫn thường nói:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Hoặc:
Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.
Nếu muốn con cái mình nên người Công giáo mẫu mực, chính chúng ta phải sống đời Công giáo mẫu mực. Bert Ghezzi một văn sĩ chiêm niệm Công Giáo trong tác phẩm “Là Người Công Giáo Hôm Nay” (Being Catholic Today, Servant Publication) đã thú nhận: Tôi nghĩ tôi là người Công Giáo hôm nay phần lớn là do ảnh hưởng từ bà mẹ góa của tôi, một người mà đời sống Kitô hữu của bà bao giờ cũng được đặt lên phần ưu tiên. Trong suốt 2 thập niên, tôi nhìn bà quì cầu nguyện mỗi đêm, tôi đi dự lễ với bà mỗi Chúa Nhật và cùng bà cầu nguyện mỗi ngày trước khi dùng bữa. Những điều đó tôi không hẳn giống được như bà nhưng ít nhất nó đã làm nền tảng cho cuộc đời Kitô hữu của tôi hôm nay.
Làm gương sáng không có nghĩa chúng ta phải là một Kitô hữu toàn hảo, nhưng hãy cố gắng hết sức có thể và hãy nói với con trẻ về điều ấy bằng chính những ngôn từ của chúng ta. Nói như thế thì chúng ta phải làm gì? Những điều cơ bản của cuộc sống Công giáo như: Cầu nguyện, học hỏi, cộng đồng và phục vụ. Nếu chúng ta dấn thân thực sự vào những điều thiết yếu này trong cuộc sống chính là chúng ta đang chỉ cho con em mình cách làm thế nào để trở nên người Công giáo.