Cáo đến cạnh gà trống nói:
– Tôi tự hỏi không biết bạn có thể gáy hay như cha bạn không.
Gà trống nhắm mắt gáy với vẻ hãnh diện. Tức thì, cáo vồ lấy và chạy.
Dân làng chạy ra la lên:
– Kìa, cáo đã bắt gà của chúng ta.
Gả nói với cáo:
– Anh nghe thấy chứ? Họ nói rằng anh đã bắt gà của họ. Hãy nói cho họ biết tôi là của anh, không phải của họ.
Cáo vừa mở miệng nói, gà liền trốn thoát và bay lên cây nói vọng xuống.
– Anh là kẻ nói dối. Tôi là của họ không phái của anh.
Cáo đập miệng xuống đất khóc:
Miệng ơi, mày nói nhiều quá. Nếu mày biết tiết kiệm lời nói, mày đã có con gà đó cho bữa tối.
Chúng ta vẫn thường nhắc nhở nhau cảnh giác đề phòng những lời đường mật “mật ngọt chết ruồi” nói nịnh hót, sáo ngữ “ba voi không được bát nước sáo”. Giữa lời nói và việc làm thường có khoảng cách rất lớn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, nên người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, chỉ nói suông mà không làm “mồm miệng đỡ chân tay”, còn tệ hơn thế khi lời nói mâu thuẫn với việc làm “ngôn hành bất nhất” hay “nói một đàng làm một nẻo”. Như trường hợp những người Pharisêu: “họ nói mà không làm” (Mt 23, 3). Trong những trường hợp ấy, lời nói trở thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận.
Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: “”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Chúa Giêsu cũng thường lên án những người giả hình, những người chỉ nói mà không làm: “Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15, 8). Từ trái tim đến miệng lưỡi là một con đường rất đài, nhưng từ miệng lưỡi đến bàn tay còn là con đường dài vô tận. Nhiều người nói về Chúa, về giáo lý của Chúa thì rất hay, các giới luật của Chúa thì họ rất thuộc, nhưng không tuân giữ, không thực thi. Trong lòng họ đầy rẫy những: toan tính, ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, nham hiểm, gian dối, tranh giành, ganh tỵ, a rua, nịnh hót, dèm pha, nói hành, nói xấu, bôi nhọ, kết án, phỉ báng… Họ chỉ lo lắng cho lợi ích của riêng họ, mà không lo cho ích chung, thậm chí còn lợi dụng tập thể để mưu ích cho cá nhân, không quan tâm đến anh em đồng loại, không biết thương đến những người nghèo khó, khổ đau, những người cô đơn, tàn tật.
Nhiều người thì đạo đức giả, họ khéo léo dùng những trò bịp bợm để che mắt người đời. Trước mặt người đời, họ luôn nói về Chúa, luôn nói về Kinh Thánh. Họ cũng đi lễ, làm từ thiện và những việc đạo đức khác. Mục đích của họ là muốn được tiếng khen, để lợi dụng lòng tin của mọi người và tìm cách trục lợi. Vì thế, những kẻ đạo đức giả có nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” đến ngàn lần sẽ chỉ là những lời sáo ngữ, rỗng tuếch, vô giá trị, những việc đạo đức họ làm chỉ là trò bịp bợm, thói lưu manh. Với hạng người đó, Vua Đa-vít đã từng nói: “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ (Tv 5, 10).
Nhiều người chăm chỉ đọc Kinh Thánh, nhưng đọc cho lấy lệ, đọc cho vui, hoặc có suy niệm thì chỉ để trong lòng, không đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Có câu chuyện kể rằng: Một cụ già bị còng lưng, khi đi lưng của cụ song song với mặt đất, đi lại rất vất vả. Một hôm cụ cố gắng chống gậy đến gặp vị lãnh đạo tinh thần để xin xưng tội, nhưng vị lãnh đạo tinh thần xua tay và nói: “hôm nay không phải ngày tôi giải tội, cứ đúng ngày mà đến thì tôi mới giải tội”. Cụ già không đành lặng lẽ chống gậy quay về.
Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, thấy chính chúng ta cũng hành động như vị lãnh đạo tinh thần trong câu chuyện trên. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, đi lễ và đọc kinh hàng ngày, tĩnh tâm hàng tháng, nhưng chúng ta không sống theo ý Chúa, không thực thi lời Chúa dạy. Chúng ta vẫn đối xử tồi tệ với tha nhân, khi chúng ta xua đuổi anh em đến xin ta lời khuyên, xua đuổi người nghèo đói đến xin ta bát cơm thừa canh cặn, xua đuổi người gặp tai ương hoạn nạn đến xin ta giúp đỡ… Thánh Giacôbê đã ví người có đức tin mà không hành động thì chẳng khác nào cái xác chết: “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết. (Gc 2, 26).
Trong xã hội hôm nay, con người chạy theo lối sống thực dụng, “có thực mới vực được đạo” hay “thật thà thì ăn cháo, láo nháo thì được ăn cơm”. Vì vậy, nhiều người đã bất chấp tội lỗi, coi Chúa như một món hàng, lợi dụng uy tín của giáo hội để nâng mình lên và làm lợi cho mình. Họ sẵn sàng “bán nói lấy ăn”, dùng khả năng Chúa ban, để lường gạt người khác. Vì thế, thánh Gioan nói: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1Ga 2, 4). Nhiều kitô hữu cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống đó, họ rất chăm chỉ đi lễ, siêng năng đọc kinh cầu nguyện, nhưng chỉ sống Lời Chúa trong nhà thờ thôi, ra khỏi nhà thờ nếu có ai lỡ đụng đến, thì họ ăn vạ, họ đặt tiền của, vật chất ở vị trí cao nhất. Khi nói đến đóng góp để xây dựng nhà thờ, nhà Chúa, giúp đỡ những người nghèo khó thì họ tìm cách thoái lui. Trong các dòng tu cũng vậy, nhiều người suốt ngày chỉ lo đối phó với nhau, lo lắng sợ người khác tốt hơn, giỏi hơn mình, lo kiếm tiền, để đua đòi với xã hội, liên tục thay đổi mốt điện thoại, máy tính, môtô, ôtô, lo trồng tỉa cây cảnh, lo chăn chó chăn chim, lo nuôi hươu nuôi vượn… Mà không chăm lo đọc sách đạo đức, trau dồi kiến thức để dạy giáo lý cho tốt, không lo học hỏi và sống Lời Chúa để làm gương sáng cho mọi người và làm chứng cho Chúa.
Là môn đệ chân chính của Chúa, chúng ta đừng cậy dựa vào những việc đạo đức nặng hình thức, thích phô trương, quảng cáo rầm rộ, làm việc thiện để được tiếng khen, đọc kinh cầu nguyện lâu giờ mà không có lòng mến Chúa, thì chỉ như cái thùng rỗng mà thôi. Chúng ta hãy nghe và thực hành lời Chúa dạy, đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, mến Chúa, luôn sống theo thánh ý Chúa mọi nơi mọi lúc, luôn cầu nguyện với tâm tình con thảo và yêu thương anh em như Chúa đã yêu, làm tất cả mọi việc vì lòng mến Chúa. Có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá, dù sóng gió, bão táp cuộc đời, ngôi nhà đức tin của ta vẫn vững bền, có mưa sa nước lũ tràn vào mà căn nhà đức tin của chúng ta không bị nước cuốn đi, vì được “Núi đá và thành luỹ bảo vệ ta chính là Chúa” (Tv 31, 4). Được Thiên Chúa bao bọc, che chở bằng tình yêu thương quan phòng của Ngài. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25).