Nhà bác học Marconi danh tiếng người Ý, phát minh ra một thứ khí giới lợi hại vô cùng, đó là quang tuyến sát sinh, tia sáng Laser.
Ngày 12.6.1936 chính thủ tướng Mussolini lái chiếc Fiat chở ông Marconi cùng chiếc máy bay bí mật đi thí nghiệm. Trên đường đi hải cảng Ostie, xe cộ nhộn nhịp chạy đi chạy lại, vậy mà khi mở máy ra tức khắc tất cả các loại xe đều đứng lại làm mọi người kinh ngạc và không hiểu lý do.
Hôm sau Mussolini hiên ngang, tuyên bố ầm ĩ và khoe với thế giới phát minh này không sợ một cuộc ngoại xâm bất cứ từ đâu lại.
Là người công giáo đạo đức, ông Marconi đã nghĩ đến ác quả gây nên do thứ khí giới mình sáng chế nên ông xin vào yết kiến Đức giáo hoàng. Ông cũng là một nhà ái quốc chân chính và có lý tưởng cao, muốn lấy khoa học phụng sự nhân loại để chặn đứng tham vọng của một số người chỉ muốn chiến tranh và làm bá chủ hoàn cầu. Với mục đích đó, ông giam mình trong phòng để tiếp tục nghiên cứu chiếc máy cho hoàn hảo hơn.
Tháng 6 năm 1937, tình hình quốc tế bỗng trở nên nghiêm trọng; nhà độc tài Mussolini mời ông vào đền và ông Marconi định đem máy ra thử một lần nữa. Đại quân Ý đang thao diễn ở gần núi Albani, nhiều xe thiết giáp, xe tăng, tầu chiến đủ cỡ tham dự, Marconi đem khí giới mới ra và lên ngồi gần Mussolini. Đang lúc đoàn quân thao diễn, các thứ thiết giáp ầm ầm tiến lên bãi như cơn giông tố, Marconi mở máy của ông ra, thì lập tức các thiết giáp, xe tăng, tàu thuyền, đều dừng lại và không còn nhúc nhích được. Ghê sợ hơn nữa là các sĩ quan ngồi trong các xe đều ngã gục và chết hết.
Trước tai họa hãi hùng như thế, ông Marconi đau đớn quá, thuê một chiếc du thuyền chạy thẳng ra khơi. Ông hối hận về những mạng người đã phải chết một cách oan uổng và đau thương như thế. Nhưng trái lại, nhà độc tài Mussolini hết sức vui mừng, khoái chí và hy vọng chuyến này mình sẽ đặt thế giới dưới quyền bá chủ của nước Ý.
Sau hai tuần lênh lênh đênh trên mặt biển, ông Marconi lên đất, và xin vào yết kiến Đức giáo hoàng. Người ta đoán nhà bác học vào hầu Đức Thánh cha về những thắc mắc trong lương tâm.
Mấy tuần sau, Mussolini mời ông Marconi vào, không rõ hai người nói với nhau những gì, song người ta đoán rằng: Mussolini yêu cầu ông phải trao cho mình tất cả những bí mật về chiếc máy lợi hại kia và ông Marconi đã được lãnh ý kiến Đức giáo hoàng trước, đã không chịu khuất phục trước sự đe dọa.
Khi ở dinh Mussolini ra, ông Marconi có vẻ buồn sầu và suy nghĩ. Về tới nhà, ông vào phòng làm việc như mọi khi, nhưng sáng hôm sau không dậy nữa vì đã nằm chết trên chiếc ghế bành trong khi đèn trong phòng vẫn sáng.
Cùng với cái chết, ông đã đem theo xuống mồ thứ khí giới lợi hại kia, không muốn để cho ai lợi dụng nó mà giết người. Hôm đó là 20.9.1937.
Thứ khí giới đó ngày nay người ta đang tìm tòi cho ra để bắt đối phương phải khoanh tay đầu hàng. Báo chí gọi là Rayon de la mort và tia sáng laser cho chúng ta thấy người ta đang tiếp tục phát minh một thứ máy kiểu của ông Marconi. Với khí giới tối tân này, bom nguyên tử, hỏa tiễn, ra đa, tầu ngầm, máy bay, xe tăng, thiết giáp không còn ý nghĩa nữa.
Một loại vũ khí khác mỗi người đang sử dụng đó là cái lưỡi. Trong bài giảng thánh lễ sáng mồng 2-9, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về đoạn Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với dân làng Nazareth. “Những người Nazareth mà Chúa Giêsu đã cùng lớn lên với họ, những người ngưỡng mộ Ngài nhưng đồng thời kỳ vọng những điều kỳ diệu nơi Người: ‘họ muốn có một phép lạ’ để có thể tin vào Người. Và khi Chúa Giêsu nói với họ rằng họ không có đức tin, họ liền nổi cơn thịnh nộ, trục xuất Ngài ra khỏi thành, đưa Người lên đỉnh núi để xô Ngài xuống vực”, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh.
“Một tình huống bắt đầu với sự ngưỡng mộ đã kết thúc bằng một hành động tội ác: họ muốn giết Chúa Giêsu. Bởi vì ghen tị và đố kỵ. Việc này không chỉ là điều đã xảy ra từ 2.000 năm trước: điều này vẫn diễn ra hằng ngày trong tâm hồn chúng ta, trong cộng đồng chúng ta”, ngài nói.
Ngài đưa ra ví dụ khi có người mới gia nhập một cộng đoàn, vào ngày đầu tiên, mọi người nói tốt về anh ta, ngày thứ hai không tốt lắm, và từ ngày thứ ba trở đi, những lời bàn tán và nói xấu bắt đầu lan truyền rộng rãi và kết thúc bằng việc đối xử tệ bạc với anh ta”, Đức Giáo hoàng nói tiếp.
Việc bàn tán vô bổ thường trở thành nói xấu là một vấn đề xưa cũ nhưng lại rất hiện thực thường ẩn đàng sau cái đầu xấu xí của nó trong cuộc sống hằng ngày của con người.
“Những ai trong một cộng đoàn hay nói xấu về người anh em mình, tức các thành viên khác của cộng đoàn, là muốn giết chết họ… Chúng ta thường nói xấu, buôn chuyện. “Nhưng biết bao lần cộng đoàn chúng ta, ngay cả gia đình chúng ta, đã trở thành địa ngục khi chúng ta ác độc giết người anh em mình bằng lời nói!” – Đức Giáo hoàng nói.
Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó không có thù hận, ganh tị hay đố kỵ và xầm xì bàn tán giết chết anh em chúng ta. “Ghen tị có thể phá huỷ một cộng đoàn hay một gia đình khi chúng gieo sự dữ trong lòng mọi người và làm cho họ nói xấu nhau. Đó là hành động phá hoại.”
Trong những ngày này – Đức Thánh Cha nói – những ngày chúng ta đang thường xuyên nói về hoà bình, chúng ta lại nhìn thấy các nạn nhân của vũ khí, nhưng chúng ta cũng phải phản ánh về thứ vũ khí hằng ngày của chúng ta: đó là ‘nói xấu và bàn tán vô bổ’.
Mỗi cộng đoàn – Đức Thánh Cha kết luận – phải sống với Chúa và sống “như ở thiên đàng”. “Để có được bình an trong một cộng đoàn, trong một gia đình, trong một đất nước và trên thế giới, chúng ta phải ở với Chúa. Và nơi đâu có Chúa, nơi đó không có ghen tị, không có đố kỵ, không có tội phạm và không có hận thù. Nơi đó chỉ có tình huynh đệ.”
“Hãy xem đây là lời cầu nguyện của chúng ta với Chúa: Đừng bao giờ giết người lân cận của mình bằng lời nói!”, ĐTC Phanxicô kêu gọi tín hữu trong thánh lễ sáng mồng 2-9, tiếp tục các suy tư hằng ngày nhằm mục đích đánh thức sự nhạy cảm của mọi người.