Chuyện ngắn mà ý dài (18)

930

Thiên kiến
Ngày xưa, bên nước Tống có một người rất giàu. Ông xây tường thành cao chung quanh nhà ông để đề phòng kẻ gian xâm nhập. Một hôm mưa to gió lớn, một cây bên đường ngã làm tường thành nhà ông đổ đi một khoảng.
Người con thấy thế nói: “Thưa cha, xây tường lại ngay đi, nếu không trộm sẽ vào”.
Người láng giềng thấy tường đổ cũng sang nhìn và bảo: “Này bác, không che ngay tường lại, e có trộm vào”.
Tường chưa kịp sửa chữa lại, ngay đêm đó nhà ông phú hộ bị trộm đến thăm. Sáng ra khi hay nhà bị mất trộm, ông khen người con là không ngoan, thấy xa biết trước mọi sự, và nghi ngờ người láng giềng là gian xảo, lợi dụng thời cơ xâm nhập gia cư lấy trộm đồ đạc của ông.

Những suy luận của con người chúng ta thường hay đi một chiều, theo những thiên kiến có sẵn trong đầu. Cùng một câu nói nhưng người cha khen người con mà nghi ngờ người láng giềng, là vì ông nghĩ người con là con trong nhà, là thành phần của gia đình ông, là người phải bảo vệ tài sản chung của gia đình. Trong khi đó người láng giền là người ngoài cuộc. Ông không bao giờ muốn họ biết được của cải bên trong nhà ông. Ông sợ họ dòm ngó. Ông nghi nghờ họ tham lam.
Người phú hộ phán đoán theo chủ quan: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ty họ hàng”.
Đó là thói thường của người đời: Khi yêu ai, thích ai, thì bất cứ cái gì người đó nghĩ, nói, làm hay, đều đúng cả. Còng khi không thích ai thì tất cả những gì người đó đã làm, đang làm và sẽ làm đều chỉ đáng đổ sông đổ biển mà thôi. Bao nhiêu cuộc đổi đời, bao nhiêu hoàn cảnh lên voi xuống chó, cho chúng ta thấy rõ thái độ đó của con người.
Thế giới này chỉ được bình an, nhân loại nầy chỉ hưởng được hạnh phúc, khi mỗi người biết ra khỏi vỏ ích kỷ của mình, và đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác để phần nào hiểu được họ. Chớ đừng phê bình, chỉ trích, thẳng tay phán đoán người này người khác theo những suy nghĩ của mình. Sống trên đời mỗi người đều có lý do để làm điều họ đang làm.