Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về cộng đồng vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.
Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.
Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa.
Đoán được lí do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.
Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.
Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi.
Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.
Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.
Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.
Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:
– Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.
Khi người ta tự tách mình ra khỏi công đoàn, người ta sẽ dần dần quên mất nơi mình xuất phát.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 04-5, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về dụ ngôn của Người Mục tử Nhân lành như là ví dụ cốt yếu về lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa bận lòng đến thế nào để bảo đảm không một ai hư mất.
‘Dụ ngôn này cho thấy lòng khao khát của Chúa Giêsu hướng đến những người có tội, và chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa không chấp nhận mất đi bất kỳ ai.
Dụ ngôn mục tử nhân lành cho chúng ta hiểu được rằng sự gần gũi của Thiên Chúa với những người có tội không phải là chuyện khiến chúng ta thấy khó chịu, nhưng ngược lại, cho chúng ta suy ngẫm nghiêm túc về cách mình sống đức tin.
Lòng thương xót của Chúa hướng đến những người có tội một cách thật riêng tư, và ngài tuyệt đối trung tín với lòng thương xót này, không sự gì không một ai có thể đẩy Ngài xa khỏi ý muốn cứu độ.
Luôn có thể tìm thấy người mục tử nhân lành ở nơi mà con chiên đang đi lạc … Như thế, có thể tìm thấy Thiên Chúa ở nơi mà Ngài muốn gặp chúng ta, chứ không phải là nơi mà chúng ta cho là sẽ thấy Ngài.’
Đức Giáo hoàng tập trung vào dụ ngôn Người Mục tử Nhân lành, để lại 99 con chiên đẻ đi tìm con chiên lạc.
Đức Phanxicô chỉ ra có hai thái độ trong dụ ngôn này, thứ nhất là những người có tội được kéo đến gần Chúa Giêsu và lắng nghe Ngài, thứ hai là những luật sỹ và kinh sư đầy hoài nghi tự tách mình xa khỏi Chúa.
‘Câu chuyện này có 3 nhân vật, là mục tử, con chiên lạc, và đàn chiên còn lại.
Và hãy thấy, nhân vật duy nhất hành động là người mục tử, không phải con chiên, người mục tử là nhân vật chính và mọi sự dựa vào người.
Nhưng có một nghịch lý trong dụ ngôn có thể khiến nhiều người nghi ngờ về hành động của người mục tử, ‘Liệu có khôn ngoan không khi bỏ lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc? Và điều quan trọng nhất chẳng phải là an toàn của đàn chiên đang trong hoang mạc hay sao?’ Trong kinh thánh, hoang mạc thường là một nơi biểu tượng cho cái chết, nơi hầu như không có thức ăn nước uống và nơi trú ẩn, vậy 99 con chiên có thể làm gì để bảo vệ mình?
Nghịch lý còn tiếp nối, khi mà người mục tử tìm thấy con chiên lạc, thì ông mang nó trên vai, về nhà gọi bạn bè và làng xóm đến mà nói: ‘Chung vui với tôi.’ Có người sẽ nổi đóa khi dường như người mục tử đã quên mất 99 con chiên kia, mà nói rằng, ‘trong thực tế không như vậy.’
Nhưng điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn này là’ không thể để mất một con chiên nào.’ Chúa không thể chấp nhận việc dù chỉ một người bị sa ngã, và khao khát này cháy bỏng trong Ngài.
99 con chiên chẳng thể nào ngăn được người mục tử, giữ lại cho riêng mình. Cũng thế, chúng ta phải biết ra khỏi chính mình. Khi đi tìm con chiên lạc, là người mục tử cũng thôi thúc 99 con chiên kia đi tìm với mình. Và không có cách nào để quy tụ lại đàn ngoài việc đi theo con đường lòng thương xót của người mục tử.
Chúng ta hãy nghĩ về dụ ngôn này, bởi cộng đoàn Kitô luôn luôn có một ai đó ‘lạc đường, để lại một chỗ trống trong ràn.’
Dù cho thực tế nhiều khi thật gây nản lòng và khiến chúng ta tin rằng không thể nào tránh khỏi mất đi một hai anh chị em trong cộng đoàn. Nhưng không phải thế.
Chúng ta phải tránh xa nguy cơ khóa mình trong đàn, nơi không còn mùi chiên mà chỉ còn mùi ao tù ứ đọng. Khi mất đi mùi chiên là bởi chúng ta đã mất đi xung lực sứ mạng vốn đưa chúng ta đến gặp gỡ người khác.
Hãy nhớ, không khoảng cách nào ngăn được người mục tử, và không một đàn chiên nào có thể loại bỏ anh em của mình.
Tìm thấy con chiên lạc, là niềm vui của người mục tử, của Thiên Chúa, nhưng cũng là niềm vui của cả đàn. Chúng ta tất cả đều là những con chiên được lòng thương xót Chúa tìm thấy và đưa về, và chúng ta được kêu gọi cùng với Ngài quy tụ cả đàn chiên.’