Đời cũng là một chuyến đi

1127

Đời cũng là một chuyến đi. Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: Tôi sẽ đi về đâu ? Tôi phải mang những gì cần thiết trong cuộc hành trình.      Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi luật tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợihơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ. Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin mừng của Ngài, đó là:”Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”. Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời. Giả như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn. Đời là một cuộc hành trình, mà cuộc hành trình nào cũng phải chấm dứt, nhưng cuộc hành trình nào cũng phải có đích điểm. Người ta chỉ kết thúc cuộc hành trình khi đã đến đích điểm là Quê Trời. Vì thế,đích điểm của niềm cậy trông vĩnh hằng của chúng ta, hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu mà chúng ta đang tiến về, quê hương Nước Trời mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng, không bao giờ là một cõi vu vơ, hão huyền như kiểu: Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Hoặc: Kiếp sau xin chớ làm người, Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay. Hay lãng đãng mơ màng nhưlời ca trong bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh công Sơn: Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa, Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà… Người thời nay không chấp nhận những thực tại siêu hình, những thực tại siêu nhiên. Không giống như nhiều người vẫn đặt dấu hỏi: có không thiên đàng, hỏa ngục, có không hạnh phúc vĩnh hằng, có không thế giới bên kia… và những thực tại đó như thế nào? Vì thế, đã có một số người hoặc quay lưng chạy trốn hoặc bực bội khước từ. Đối với họ: cuộc sống đời thường là trên hết, hưởng thụ là cần thiết nhất, thành công phương tiện là ưu tiên số một. Mọi thứ khác chẳng đáng quan tâm. Ngay vào thời Chúa Giêsu đã có cả một phong trào, một cộng đoàn Do thái chủ trương như thế. Chúng ta thì khác.