Vua Louis XIV rất thương bà Maintenon đã bí mật cưới bà, tuy bà không còn xuân sắc tươi trẻ và không được sang trọng như bà Montespan. Bà Maintenon tính tình vui vẻ, dịu dàng và nhất là có trí thông minh đã giúp vua giải quyết nhiều vấn đề khó khăn.
Mỗi buổi chiều, vua dến tính việc quốc gia tại phòng bà cùng với các quan. Bà ngồi may, lắng nghe các tờ báo cáo mà không nói một lời. Đợi lúc nhà vua hỏi bà mới khéo léo trả lời. Nghe những lời bà nói thì biết bà thông minh tế nhị lắm: nên vua rất yêu và kính trọng bà. Người mình có câu: vợ ngoan làm quan cho chồng, còn vợ dại thì sao ?
“Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng. Như bà Xara, bà đã vâng phục ông Ápraham, và gọi ông là “ông chủ”. Chị em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào. Cũng vậy, anh em là những người chồng trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở”. 1Pr 3:1-7
Đoạn văn trên đây có thể chia làm bốn phần: 3:1-2: sự tùng phục của vợ, lối sống thánh và sức mạnh để chiến thắng người chồng chưa có lòng tin; 3-4: sự tùng phục và trang điểm với việc nhấn mạnh vào tính cách của phụ nữ; 5-6: sự cư xử hiện tại và lối trang điểm được minh họa bởi người nữ thánh thiện thời Cựu ước, nhất là bà Xara; 7: người chồng tôn vinh vợ mình, vì là người đồng thừa tự với họ trong ân sủng(13).
Tác giả của 1Pr trước đó đã khuyến khích các thành viên của cộng đoàn hãy tùng phục chính quyền dân sự, người nô lệ hãy tùng phục người chủ, và giờ đây khuyên người vợ tùng phục chồng mình. Thật ra, sự hướng dẫn cho người vợ (1Pr 3:1-2) cũng giống với huấn thị chung trong 1Pr 2:12(14). Điều gây ngạc nhiên cho người đọc là lối khuyến khích người vợ cư xử lại khác với các lối khuyến khích cư xử trong thư Cl và thư Ep. Ở đây người vợ Kitô giáo có chồng ngoài Kitô giáo, chồng ngoại đạo. Lối sống và cư xử của người vợ ở đây là một công cụ truyền giáo mạnh mẽ để hoán cải người chồng ngoại giáo (1Pr 3:2).
Một lý do đặc biệt cho sự khuyến dụ trong thư 1Pr được cấu thành bởi hôn nhân “hôn hợp”. Một gia đình chia rẽ về tôn giáo là một gia đình thiếu sự hiệp nhất và là sự đe dọa tiềm tàng cho sự thống nhất đoàn kết của thành phố hoặc đất nước(15). Do đó, trong xã hội thời ấy người ta mong người vợ theo đạo của chồng. Plutarch viết:
“Người vợ không nên có bạn bè riêng, nhưng hãy là bạn của các bạn của chồng mình. Các thần là những người bạn đầu tiên và quan trọng nhất. Do vậy người vợ nên thờ phượng và chỉ biết các thần mà chồng mình đang tin và thờ, và hãy đóng cửa lại trước mọi nghi thức kỳ quặc và sự mê tín dị đoan đáng ngờ”(16).
Lẽ tất nhiên, người nô lệ không có gì cần phải bàn trong vấn đề này, mặc dầu người nô lệ Do thái và Kitô giáo vẫn tin vào tôn giáo của ho,ï và không theo tôn giáo của người chủ ngoại giáo của họ. Những sự kết án và vu khống chống lại các thành viên cộng đoàn, từ những người chồng bực tức chống lại người vợ Kitô giáo và người nô lệ, có thể trở thành một sự đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng nói chung. Và cuối cùng xã hội mang nhiều tính chất vô đạo đức(17). Đây là lý do để cho thư Pr nhấn mạnh vào lối sống tốt. Còn đối với Elliott, “Sự tùng phục là sự minh họa cho chủ đề lớn trong 2:15-4:19, tức là sự cần thiết làm điều đúng thay vì làm điều sai trái” để tránh bị kết án là làm điều sai trái(18).
Việc đối xử trong sáng, sự trung thành với chồng, và lối sống đơn giản đã được đề cao trong văn chương về quản lý gia đình. Ví dụ, “Nhân đức lớn nhất của phụ nữ là sự trong sạch”, theo một bản văn vào thế 3-2 trước công nguyên. Trong “Lời khuyên cho cô dâu chú rể” của Plutarch, 141E, chúng ta đọc thấy rằng điều trang điểm cho phụ nữ và làm cho nàng thêm xinh đẹp “không phải là vàng bạc đá quý hoặc áo quần sặc sỡ… nhưng là những gì đầu tư nàng với những gì báo hiệu lối cư xử tốt, phẩm giá và tính nhu mì khiêm tốn”(19).
Trong 1 Pr, lời khuyên cho lối sống đơn giản không nhằm mục đích kêu gọi phụ nữ sống lối sống được xã hội chấp thuận, nhưng có lối đối xử cần thiết để phúc âm hóa người chồng chưa có đức tin, và thật sự có hiệu quả trong việc xua tan nỗi sợ hãi rằng những người vợ tin vào một Chúa khác với chúa của người chồng sẽ làm hỏng sự hiệp nhất và hòa hợp của gia đình(20). Một số phụ nữ thời Cựu ước đã được nêu ra làm gương cho lối cư xử ấy, chẳng hạn bà Xara trong St 18:12 khi bà gọi ông Ápraham là “ông chủ của tôi”. Tác giả của 1Pr lấy cách xưng hô này để biểu thị việc bà tùng phục chồng mình. Cuối cùng, người vợ được khuyến khích hãy làm điều tốt đẹp và không làm trong sự khiếp sợ. Lời khuyên này thật là thích hợp, bởi vì người vợ, giống như người nô lệ, dễ bị tổn thương bởi sự hăm dọa của người chồng không có đức tin. Tình trạng của vợ biểu lộ tình hình bấp bênh của cả cộng đồng. Khi làm điều phải lẽ mà không sợ gì cả, người vợ trở nên mẫu gương cho cả cộng đồng(21).