Từ ngày thành lập đến nay, Hội Thánh hầu như liên lỉ gặp những thử thách bên trong cũng như bên ngoài.
Thử thách bên trong: hết lạc thuyết này đến lạc thuyết khác nổi lên, hết ly giáo này đến ly giáo khác xuất hiện:
Ariô: năm 321, linh mục Ariô giảng dạy rằng: Chúa Kitô chỉ có một bản tính loài người thôi. Quả là sai lạc: vì thế năm 325, công đồng Nicea đã được triệu tập và công bố một bản tuyên xưng đức tin trong đó khẳng định rằng: Chúa Kitô là Thiên Chúa thật đồng bản tính (consubstantialis) với Đức Chúa Cha.
Nestorio: là thượng phụ giáo chủ thành Constantinopoli, Nestoriô chủ trương rằng: đức Giêsu Kitô có hai ngôi vị: ngôi vị Thiên Chúa và ngôi vị loài người, nên Đức Maria chỉ là mẹ của một con người, chứ chẳng phải là Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, năm 431, một công đồng chung nhóm họp ở Ephesô đã cất chức Nestorio kết án 12 luận đề của ông và khẳng định: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Đến ngày 22.6 năm đó, kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội” ra đời. Công đồng Ephesô còn khẳng định: Chúa Kitô chỉ có một ngôi vị và hai bản tính.
Nykê: chưa hết, một đan viện phụ ở Constantinopoli đối thủ của Nestorio, lại đi quá trớn mà quả quyết rằng: Ngôi Lời kết hiệp chặt chẽ với nhân tính đến nỗi chỉ còn một bản tính duy nhất là thiên tính thôi. Công đồng Chalcedonia năm 451 phải tái khẳng định: Chúa Kitô có hai bản tính.
Phoxius: nhưng từ đời thượng phụ Phoxius – 891 – do nhiều nguyên nhân tâm lý, địa dư, chính trị, não trạng, Giáo hội Đông phương và Tây Phương đã dần dần tách xa nhau và đến thời thượng phụ Micae Xerulariô (1054) thì ly khai nhau hẳn; tất cả các giáo đoàn thuộc nghi thức Hy Lạp đều theo họ, lập ra Chính thống giáo. Ly giáo này không nhận quyền tối thượng thẩm và ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng Roma.
Đến thế kỷ 14,15, ở bên Tây phương các vua chúa lại nhúng tay vào nội bộ của Hội Thánh. Lúc nào họ cũng tìm cách đặt con cháu mình vào chức vụ Giám mục hoặc đan viện phụ để vây cánh thêm mạnh mẽ và nhất là để hưởng bổng lộc của nhà dòng, nhà chung. Phần đông các giám mục và đan viện phụ ấy chỉ sinh hoạt ở triều đình, mỗi năm về địa phận hay đan viện vài lần để thu hoạch hoa lợi. Do đó đời sống tu trì sinh ra ngoại lạnh, sút kém; hàng giáo sĩ thì không được đào luyện cho đủ khả năng đạo đức.
Các vua chúa còn dùng cả ảnh hưởng của mình để tranh ngôi giáo hoàng nữa. Có những thời kỳ vô cùng đen tối: trong Hội Thánh có hai Giáo hoàng, không biết ai giả ai thật (thế kỷ 14-15) hay mấy chục năm liền, các giáo hoàng về ở tại Avignon (Pháp), bỏ thành Roma hoang vắng lạnh lẽo (đầu thế kỷ 14) Giáo sử gọi thế kỷ này là “thế kỷ sắt”.
Sang thế kỷ XVI, Hội Thánh lại gặp một cơn khủng hoảng về đức tin rất trầm trọng: nhiều nơi chủ trương theo Giáo hội Tin lành, không thông hiệp hoặc cấm thông hiệp với Đức Giáo hoàng; như các giáo phái:
– Luther (1483-1546): ông là một thầy dòng Augustinô người Đức, tính tình hung bạo cứng cổ, nhưng rất thông minh, làm giáo sư luân lý và Kinh thánh. Vốn sẵn tính bi quan lại bị lương tâm bối rối hành hạ Luther đưa ra lạc thuyết: bản tính loài người sau nguyên tội đã ra bại hoại nên mỗi hành động đều xấu xa tội lỗi. Muốn được cứu rỗi chỉ cần tin vào công nghiệp của đức Giêsu Kitô, còn mọi sự cố gắng để lánh tội và tập nhân đức đếu vô ích. Nên năm 1521 Đức Leo X đã ban hành Tông chiếu: “Decet Romanum Pontificem” kết án và tuyệt thông Luther.
– Zwingli (1484-1531): đồng thời với Luther ở Đức, Ulrich Zwingli người Thụy Sĩ xây dựng lạc thuyết của mình dựa trên quan niệm: ý muốn của Thiên Chúa chỉ được biểu hiện trong Kinh thánh. Ông từ chối Thánh truyền và các lề luật của Hội Thánh, khởi xướng lý thuyết Giáo hội quốc gia dân chủ.
– Calvin (1509-1564): Calvin cũng chủ trương con người hoàn toàn xấu xa và chỉ chấp nhận hai bí tích Rửa Tội và Tiệc Thánh. Suốt mấy mươi năm liền, ông tổ chức Giáo hội Tin Lành ở Thụy Sĩ và sau đó đã lan truyền sang các nước Đức, Thụy Điển, Ý, Pháp…
– Anh giáo: Vì say mê cô hầu Anne de Boleyn, vua Henri VIII nước Anh đã muốn ly dị vợ chánh là Catherine xứ Aragon, Đức Thánh Cha Clementê VII không chấp nhận cuộc toan tính ấy. Nổi tức, Henri bèn lập Giáo hội quốc gia, phủ nhận quyền của Đức Giáo hoàng. Đến đời vua Edouard VI (1558-1603) thì hoàn toàn ly khai Hội Thánh. Năm 1583, nữ hoàng Elizabeth tuyên bố chiếu chỉ “Một tôn giáo duy nhất”. Anh giáo được thành lập.
Trong thời kỳ này có thể nói Hội Thánh phải hứng chịu một “cơn bắt đạo lạnh”. Các vua Chúa đã có những thái độ khắc nghiệt như:
Tịch thu nhà thờ và tài sản của Hội Thánh công giáo cho Hội Thánh Tin Lành.
Giết chết, trục xuất những ai không bỏ công giáo mà theo Anh giáo, kể cả những vị có chức lớn trong nhà nước như thánh Thomas More (chưởng Ấn), hồng y Gioan Fisher.
Người công giáo không được giữ một chức vụ cao cấp như thủ tướng, tướng lãnh quân đội.
Đến thế kỷ XIX, XX lại nổi lên những lạc thuyết như: Duy lý. Cải tân với Renan, Loysy.
Thời đại hôm nay lại xuất hiện thêm thuyết tục hóa, những khủng hoảng quyền bính, sự ra đi của nhiều linh mục, tu sĩ.
Nếu là một tổ chức trần thế thì qua bao nhiêu biến cố “tự hủy diệt như trên” chắc Hội Thánh đã sụp đổ lâu rồi. Nhưng Chúa mỗi lần lạc thuyết nổi lên, Chúa lại cho xuất hiện nhiều người đứng lên bênh vực Hội Thánh: trong mấy thế kỷ xác định giáo thuyết ban đầu thì có thánh Augustinô (354-430) thánh Basiliô (329-3790, thánh Gregoriô Nazianzênô (325-390). Thánh Hilasiô (315-369), thánh Athanasiô (295-373).
Những lúc thế quyền vật chất lan tràn vào cung thánh để lũng đoạn thì Chúa lại sai thánh Dominico (1170-1221), thánh Phanxicô Assisiô (1182-1225). Thánh Benađo (1090-1153) nêu gương sống nghèo khó, cầu nguyện để thức tỉnh.
Lúc nhiều bậc vị vọng trong Hội Thánh chỉ đi lại với triều đình vì thuộc dòng dõi vua Chúa, bỏ rơi đám dân nghèo, thì Chúa lại sai thánh Vincent de Paul (1581-1660) lập dòng bác ái chăm sóc người cùng khổ, thánh Gioan Lasan (1651-1719) lập dòng các sư huynh dạy dỗ các trẻ bần dân, và thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550) thánh Camillo Lellis (1550-1614) phục vụ các kẻ bệnh hoạn tật nguyền.
Khi phải đương dầu với các thế quyền áp đặt đạo Tin Lành ở nhiều nước Au Châu, Thiên Chúa lại sai thánh Phêrô Canisiô (1521-1597), thánh Phanxicô Salesiô (1567-1622), thánh Ignatiô Louola (1493-1556) lập dòng Tên để chống đỡ Hội Thánh.
Năm 1545, Đức Thánh cha Phaolô III đã triệu tập cộng đồng Tridentinô để xác định rõ những điểm giáo lý bên Tin Lành đã phủ nhận, tổ chức lại đời sống tu trì và việc huấn luyện linh mục trong các chủng viện. Thêm vào đó, thánh Vincent de Paul lập dòng Lazarish, cha Olier lập hội Xuân Bích, thánh Carolô Borromeo (1538-1584) lập dòng thánh Ambrosiô… Tất cả đều nhằm mục đích đào tạo hàng giáo sĩ, thực thi những điểm công đồng Tridentinô đã quyết định.
Trước những khủng hoảng của thế kỷ XIX, XX này, các Đức giáo hoàng Leo XIII, Piô X, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI đã can đảm sáng suốt vạch rõ những điểm sai lạc đồng thời nỗ lực canh tân Hội Thánh. Công cuộc sáng chói nhất của các Ngài là công đồng Vaticanô II mà mọi người chúng ta đang thụ hưởng những thành quả tốt đẹp như:
Canh tân đời sống Hội Thánh đối nội cũng như đối ngoại.
Tiến tới hiệp nhất với các anh em lạc giáo và ly khai
Đối thoại với những anh em ngoài công giáo, anh em vô thần.
Nói tóm lại, sau mỗi lần khủng hoảng, Hội Thánh lại được Chúa Thánh Thần soi sáng hứơng dẫn để tiến tới trên con đường canh tân tốt đẹp, tươi trẻ và hùng mạnh hơn.
Thử thách bên ngoài:
– Mới vừa giảng đạo được ba năm, chính Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh, phải bị kết án chất một cách nhuốc nha tất tưởi. Bấy giờ các thủ lãnh Do thái tưởng rằng đạo công giáo đã bị chôn vùi làm một với Chúa.
– Tiêp đến, Hội Thánh mới bành trướng đã phải trải qua 300 năm bách hại khắp đế quốc Roma: các tông đồ đều chịu tử dạo, tất cả các giáo hoàng kế vị thánh Phaêrô đều phải đổ máu để minh chứng đức tin. Mãi cho đến năm 313. Sắc chỉ Milan về tự do tín ngưỡng mới được ban hành. Ba trăm năm dài đẫm máu ấy đã để lại cho lịch sử và cho Kitô hữu một bài học như sau: càng chém giết, càng bắt bớ, thì người ta càng làm đạo Chúa lan rộng mãi, như lời Tertulianô nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo” (sanguis martynum senen christianorum)
– Đến thế kỷ VI, VII làn sóng các dân man di lại tràn gập đế quốc Roma, gây không biết bao nhiêu điều điêu đứng khó khăn cho Hội Thánh. Gót chân của các bộ lạc Goth, Wisigoth, Normands, Germain, vandales, Huns… đi đến đâu là gây sụp đổ đến đó. Nhưng với sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã cảm hóa được họ, lôi kéo họ trở về.
– Khi hầu hết các quốc gia Châu Âu đã trở lại đạo công giáo, ai cũng tưởng rằng Hội Thánh sẽ là một gia đình hòa thuận tốt đẹp, nhưng các vua chúa lại muốn xen vào nội bộ của Hội Thánh để tranh giành ảnh hưởng. Họ tìm cách đề cử lên những giám mục, hồng y, đan viện phụ có khuynh hướng theo mình để thu phục nhân tâm, tăng cường uy thế, thụ hưởng bổng lộc, khiến các giáo hoàng phải liên tiếp kiên cường bảo vệ sự tự do của Hội Thánh khỏi những tranh chấp vật chất và trần thế ấy. Lịch sử còn ghi lại những vụ Frederic Barlerousse ở Đức, Philippe le Bel ở pháp chống đối và dùng vũ lực đối với Đức Giáo hoàng, nhưng đã không thể làm cho Ngài nhượng bộ.
– Đến thời Cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao nhiêu linh mục tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển. Nhưng Hội Thánh cũng không vì thế mà sụp đổ. Đến khi Napoleon I lên ngôi, ông lại sang Ý bắt luôn cả Đức giáo hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Phontainebleau vì Ngài đã phản đối việc ông ly dị Joshepine để cưới Marie Louis làm vợ. Một hôm, vì quá tức giận, Napoleon đã nói thẳng với hồng y Consalvi, quốc vụ khanh tòa thánh: “Ông biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh”. Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời: “Thưa Ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao nhiêu gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà Ngài phá tan Hội Thánh được”. Về sau Napoleon đã phải tuyên bố: “các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại”.
– Đến năm 1820, cách mạng Tây ban Nha lại giải tán nhiều tu viện, giết chết khỏang hơn 35.000 linh mục; nhiều vị bị họ vật xuống đất cho xe chạy qua, số tòa giám mục tụt xuống còn 6.
– Trong trận thế chiến II, Phát-xít Đức cũng giết chết nhiều linh mục, tu sĩ. Tất cả đều bị họ tống vào các trại tập trung hoặc bị đốt trong lò thiêu xác.
– Rồi mới cách đây khoảng chừng 20 năm đế quốc xã hội Trung Hoa, với chủ trương bá quyền bành trướng của Mao Trạch Đông lại gộp tất cả các giám mục Trung Quốc giam vào các trại tập trung ở miền Bắc, khiến giờ đây có trên 120 địa phận vắng bóng giám mục. Thật là tàn ác, vi phạm lộ liễu nhân quyền. Chính họ đã đặt ra 45 vị giám mục cho Giáo hội tự trị mà không có sự hấp thuận của tòa thánh. Thế nhưng chỉ một năm sau, vì không được nhân dân tín nhiệm, nên đã biến mất vào các trại tập trung.
Tóm tắt, mặc dầu phong ba bão táp không ngừng đánh vào thuyền Phêrô, con thuyền Phêrô suốt 20 thế kỷ nay vẫn không bị chìm ngập. Giờ đây Nerô đã yên nghỉ dưới nấm mồ, Philippe le Bel, Frederic Barberousse, Napoleon, Bismark, Mao Trạch Đông, Hitler đang chu du nơi đâu, trong lúc Hội Thánh vẫn muôn đời đứng vững và luôn nghe văng vẳng bên tai câu nói của Thầy mình: “Này, Ta sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.