Có người kia bảo với bạn nó; “Tôi đứng dưới gốc cây đàng hoàng kia, thấy rõ một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!”. Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy, xía vô:
“Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy!”.
Rồi thì người đi đường xúm lại xem, ai cũng bảo chính mình thấy thế này… như thế khác…
Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu ai đúng hơn mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! các anh đừng cãi nhau nữa. Chính tôi là người sống dưới gốc cây ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại không thấy có màu sắc gì cả giống hệt với cái da cây…”
Nếu chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Ðất chỉ bằng con mắt của Mặt Trời hoặc Mặt trăng được.
Cũng vậy khi đánh giá một con người, một sự việc nào đó, không thể nhìn từ một phía được…
Nếu đọc câu chuyện Năm anh mù rờ voi, có thể bạn sẽ tự nhủ: Chỉ có những anh mù mới cư xử ngốc nghếch như vậy!
Không, bạn hãy quan sát một cuộc tranh luận và bạn sẽ thấy rất nhiều người trong chúng ta cư xử như những anh mù này.
Mọi sự vật hiện tượng trong đời đều có muôn hình muôn mặt. Biết đâu cái mà ta nhìn nhận, cái mà ta cho là đúng chỉ là một khía cạnh trong rất nhiều khía cạnh của sự vật hiện tượng?
Ai có thể tự hào là mình đã có đủ kiến thức và sự uyên bác để có thể nhìn nhận ra tất cả các khía cạnh của mỗi sự vật hiện tượng?
Và nếu đúng là vậy thì bạn hãy thận trọng để khi tranh luận bạn sẽ không cho rằng mình là đúng hoàn toàn và những người khác là sai hoàn toàn.
Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể nhìn nhận được một hay nhiều khía cạnh của sự vật hiện tượng mà thôi. Và tất cả chúng ta góp lại mới có được một cái nhìn đầy đủ hơn, bao quát hơn về sự vật hiện tượng.
Lần sau, trong khi tranh luận, bạn hãy nhớ tới câu chuyện về những anh mù rờ voi để tránh những xung đột và mâu thuẫn không cần thiết.